Nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo tình hình để phòng chống tội phạm từ sớm, từ xa

|

Nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo tình hình để phòng chống tội phạm từ sớm, từ xa

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 26/11, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, năm 2024, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tập trung cao độ; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%. Kết quả này cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo trước Quốc hội 
công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024

Các đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng dự thảo Luật Thi hành án dân sự; tăng số lượng thẩm phán và kiểm sát viên để giải quyết kịp thời các vụ án. Bên cạnh đó, Việt Nam cần ký các hiệp định tương trợ tư pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng; các đường dây điều hành hoạt động “tín dụng đen” qua mạng; hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội hay như hoạt động tấn công mạng đang trở thành nỗi lo lắng trong người dân.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội. Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống kinh tế-xã hội. Điều này cũng đi kèm một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.
 
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) phát biểu tại Kỳ họp

Bên cạnh đó, cần phải chuẩn hóa thông tin về thuê bao di động, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập, còn thiếu để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Chính phủ cần đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện làm việc cho các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nói về nỗi lo bị lừa qua mạng đang hiện hữu, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng, với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội rất lớn, chúng ta cần có sự bảo đảm an toàn, tránh những thiệt hại cho người dân thì cần những những động thái mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn cả về nhân lực, tài lực cho các lực lượng làm công tác đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; đồng thời, kịp thời dự báo tình hình để ban hành, đề xuất ban hành các quy định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
 
Toàn cảnh Kỳ họp ngày 26/11

Đề cập đến các giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025, Bộ trưởng Lương Tam Quang dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025. Trong đó, chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa... Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối. Chỉ đạo chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện ngay từ sớm, từ cơ sở./.