Đô thị thông minh mang lại cho TP Huế nhiều lợi ích

|

Là đô thị trung tâm với địa bàn rộng, dân cư đông nên ngoài việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng và chỉnh trang đô thị, TP Huế chú trọng đến việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ cán bộ công nhân viên trên địa bàn.

Trước đây, để hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân ở các xã, phường thuộc địa bàn TP Huế phải đến Trung tâm Hành chính công khá nhiều lần để thực hiện các giao dịch. “Đi lại nhiều lần vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí xăng xe, song đôi lúc đến nơi lại nghe cán bộ thông báo thủ tục chưa xong phải quay về nên khá mệt mỏi. Còn giờ đây, sau khi nhận giấy hẹn có mã số, tôi có thể tra cứu trên máy tính để biết thông tin của hồ sơ và các thủ tục cũng đơn giản, dễ hiểu nên rất thuận tiện”, ông Nguyễn Văn Thuận ở phường Hương Sơ, TP Huế chia sẻ.

Người dân sử dụng dịch vụ tại điểm thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung tâm hành chính công TP Huế
Việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh tại TP Huế bắt đầu từ những năm 2000 bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, về hạ tầng đô thị... Trong đó, thành phố triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, duy trì hoạt động và phát triển Cổng thông tin điện tử của TP Huế và các phường phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, từng bước triển khai hoàn thiện hệ thống thông tin dịch vụ công, tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh; hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Về đô thị thông minh, TP Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, trong đó đã đầu tư lắp đặt 42 camera hiện đại ở những vị trí quan trọng trên địa bàn, (chưa kể camera của tỉnh, các cơ quan, đơn vị…). Hệ thống camera giám sát của thành phố với các tính năng hiện đại như nhận diện khuôn mặt, biển số xe… đã góp phần đảm bảo trật tự giao thông, đô thị và phát hiện kịp thời các sai phạm trên địa bàn. Về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay TP Huế đã tích hợp hệ thống thanh toán tiền dịch vụ thu gom và vận chuyển rác thải không tiền mặt trên địa bàn qua VNPT Pay; áp dụng các giải pháp hỗ trợ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt (thông qua mã quét QR tại các ứng dụng ví điện tử và qua hình thức quét thẻ máy POS đặt tại Trung tâm Hành chính công TP Huế).

Mặt khác, thành phố đã triển khai hệ thống thông tin Dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S) cho các phòng ban chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các phường nhằm xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các lĩnh vực, như môi trường, đô thị, hạ tầng viễn thông… Trung bình mỗi năm, thành phố tiếp nhận và xử lý khoảng 4.000 ý kiến phản ánh của người dân riêng qua Hue-S.

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, thành phố đang từng bước triển khai hoàn thiện hệ thống thông tin dịch vụ công, tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh; hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mặt khác, tiếp tục đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng đồng bộ, phục vụ mọi điều kiện tốt nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp..., nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, kỷ cương kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Đoàn công tác TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) thăm, học tập mô hình tại Phòng điều hành, giám sát Đô thị thông minh TP Huế 

Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng Chính quyền số. Hình thành cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.

Với chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội", Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 diễn ra từ 17 đến 19-8 với các hoạt động cụ thể. Theo đó, chiều 17-8 sẽ diễn ra Tọa đàm Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số tỉnh Thừa Thiên - Huế và tham vấn kế hoạch phát triển Chính quyền số.

Ngày 18-8 sẽ bắt đầu với Phiên toàn thể với chủ đề: “Chuyển đổi số đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”. Giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới. Nâng cao nhận thức làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới. Buổi chiều sẽ là Phiên chuyên đề: “Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số”. Chuyên đề tập trung làm rõ vai trò chuyển đổi số trong công tác quản lý di sản văn hóa, công cụ truyền thông nhằm lan tỏa và thẩm thấu trong xã hội nhằm phát huy và lan tỏa ra thế giới giá trị văn hóa và di sản. Xây dựng xã hội số trong lĩnh vực văn hóa di sản và đặc biệt là nâng cao nhận thức và tư duy hình thành ngành công nghiệp văn hóa di sản.

Ngày 19-8 tiếp tục với Phiên chuyên đề: “Chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Kết hợp chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp VINASA nhằm hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số. Buổi chiều: Triển khai 2 chuyên đề song song. Đó là chuyên đề “Tư vấn chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs với 4 ngành chính. Xây dựng kênh đối thoại trực tiếp giữa các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế với các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu của VINASA để trao đổi” và chuyên đề “Hue-S chuyển đổi số đồng hành cùng doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Ngoài ra, còn có các hoạt động bên lề như giao lưu sinh viên - VINASA đồng hành cùng sinh viên Huế: VINASA, Đại học Huế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện. Triển lãm sản phẩm nền tảng, giải pháp công nghệ số tiêu biểu: VINASA chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh tổ chức thực hiện. Tham quan di sản văn hoá Huế: Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện.