Cấp thiết giảm tải quốc lộ 51

|

Nhiều năm nay, tình trạng kẹt xe trầm trọng trên tuyến quốc lộ 51 (QL51) đã được các chuyên gia cảnh báo và đưa ra bàn thảo ở không ít hội nghị lớn - nhỏ về kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện các địa phương, đơn vị vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.
\r\n

Kẹt toàn tuyến

 Là tuyến giao thông huyết mạch của vùng Đông Nam bộ nối trực tiếp 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai và cũng là tuyến chính từ TPHCM đi thành phố biển Vũng Tàu, QL51 được nâng cấp mở rộng từ 5 lên 8 làn xe, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013 với thiết kế 12.000 lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuyến QL51 thường xuyên bị kẹt và trở thành một trong những điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế của cả vùng. 

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP trong những ngày gần đây, vào buổi sáng thường bị ùn tắc tại trạm T2 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do có đông lượng xe đầu kéo, container đi từ các khu công nghiệp về hướng các cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn cuối buổi chiều xuất hiện nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng, trong đó điểm đầu là tại khu vực nút giao QL51 với cao tốc Long Thành - Dầu Giây; kế đó là tại điểm nghẽn ngã ba Nhơn Trạch. Thời gian đèn đỏ tín hiệu kéo dài, trong khi lượng xe tải vận chuyển hàng hóa đông nên đoàn xe dài cả kilômét. Khu vực xã Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ), nơi có quá nhiều trụ đèn tín hiệu giao thông và tập trung nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, cũng thường xuyên bị ùn tắc vào giờ tan ca.

Thống kê của Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC, chủ đầu tư dự án mở rộng QL51), năm 2014, lưu lượng xe lưu thông trung bình trên tuyến là gần 4.400 lượt xe/ngày đêm, nhưng chỉ 3 năm sau, tức năm 2017, lượng xe đã nhảy vọt lên gấp gần 8 lần với lưu lượng hơn 33.000 lượt xe/ngày đêm. Từ năm 2018 đến nay (không tính năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch Covid-19), lưu lượng xe tiếp tục tăng thêm. Trong 4 tháng đầu năm 2020 là 35.050 lượt/ngày đêm; và trong những tháng đầu năm 2022 có ngày cao điểm lưu lượng lên tới 48.000 lượt/ngày đêm, gấp 4 lần công suất thiết kế. 

Do xe đông và thu phí thủ công nên thời gian chờ qua trạm thu phí trên QL51 kéo dài. Ảnh: VĂN PHONG

Chưa lắp đặt thu phí không dừng

 Theo đại diện của BVEC, nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe thường xuyên trên QL51 là số phương tiện lưu thông trên tuyến quá đông, đặc biệt gia tăng các loại xe tải hạng nặng, container làm tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng, tập trung ở 2 trạm thu phí T2 và T3. 

Tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên tuyến QL51 đã từng được ngành giao thông dự báo và đưa ra phương án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (nguồn vốn BOT, đưa vào sử dụng từ năm 2018) để san sẻ khoảng 60% lượng xe lưu thông của QL51. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào giữa năm 2022 và sang năm 2023 mới chính thức khởi công. 

Ngoài nguyên nhân dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm trễ, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng kẹt xe trên QL51 còn do chưa thực hiện thu phí không dừng (ETC). Cử tri 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khá bức xúc khi phải đi qua 3 trạm thu phí trên QL51 mà không có một làn ETC nào, làm tăng thời gian đi lại, tốn thêm nhiên liệu khi phải nối đuôi nhau chờ trả tiền qua trạm. 

Ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc BVEC, cho rằng, để giải được bài toán kẹt xe trên QL51 hiện nay chỉ có phương án là đẩy nhanh tiến độ các dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 4; đường liên cảng và thậm chí xa hơn là đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để san sẻ lưu lượng xe cho tuyến. 
Trong văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ngày 9-6-2022, Bộ GTVT giải thích, theo Quyết định số 10/2-2020/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền “xem xét, quyết định việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 3 năm, đảm bảo hiệu quả, công khai minh bạch”. Do đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ tính toán, thời gian thu phí còn lại không nhiều (dự kiến còn dưới 3 năm), trong khi chi phí đầu tư ETC lên đến 83 tỷ đồng, có thể gây lãng phí, không hiệu quả. Vì vậy, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và quyết định chưa triển khai ETC trên QL51.

Cần tính đến lợi ích quốc gia

 Việc chưa lắp đặt hệ thống ETC đã góp phần khiến tình trạng ùn ứ, kẹt xe trên toàn tuyến QL51 ngày càng nghiêm trọng, đang gây ra sự lãng phí rất lớn cho các chủ phương tiện do tăng thời gian, chi phí vận tải. Dư luận cũng thắc mắc rằng, trong khi tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc đã sử dụng ETC, vậy sao các trạm trên QL51 vẫn thu phí thủ công? 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, phụ lục hợp đồng giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào ngày 27-2-2017 là thời gian thu phí của QL51 dự kiến kết thúc vào tháng 1-2030 (gồm cả 4 năm tạo lợi nhuận) nhưng vì lưu lượng xe thực tế cao hơn so với phương án tài chính trước đây nên cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kết thúc sớm hơn so với phụ lục hợp đồng. Trước bức xúc không lắp đặt ETC, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ báo cáo lại về hợp đồng của BOT QL51 và thời gian thu phí còn lại của dự án để xem xét quyết định.

Ngoài việc lắp đặt làn ETC, một giải pháp khác là cải tạo các nút giao cũng được Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần đề xuất. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để giải quyết vấn đề kẹt xe trên QL51, từ năm 2017, tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, sớm triển khai xây dựng các nút giao khác mức để cải thiện tình hình, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do QL51 thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT và BVEC nên trách nhiệm đầu tư thuộc nhiệm vụ của 2 đơn vị.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GTVT cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, trước ngày 20-11-2022, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) phải được phê duyệt, khởi công trước ngày 30-6-2023 và các địa phương phải bàn giao 70% mặt bằng để thực hiện dự án.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và Tổ công tác do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Còn 2 dự án thành phần qua tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đang tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, kế hoạch bàn giao 70% mặt bằng vào tháng 6-2023.