Bình Dương: Phát triển hạ tầng giao thông các huyện phía Bắc

|

Trong nhiều năm qua, các đô thị trong tỉnh Bình Dương như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một đối mặt tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, thoát nước do nhiều năm phát triển “nóng” các khu công nghiệp (KCN). Để tránh lặp lại hạn chế này, tỉnh đang ưu tiên đầu tư phát triển trước hạ tầng giao thông ở các huyện, thị phía Bắc của tỉnh để mở ra không gian phát triển mới, giúp thu hút, dịch chuyển dòng vốn đầu tư và người lao động, giảm áp lực dân cư cho các địa bàn giáp ranh ở TPHCM. \r\n

Tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng trở thành con đường huyết mạch nối 2 khu vực phía Bắc và Nam tỉnh Bình Dương

Thênh thang những tuyến đường

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Dương đã xây dựng chương trình “Tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã chủ động đi trước trong phát triển hệ thống giao thông huyết mạch, được kết nối đồng bộ; điển hình là mở rộng đường ĐT 743, xây dựng mới đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM và các tuyến đường kết nối liên vùng, liên huyện với quy mô 6 làn xe trở lên.

Đáng chú ý nhất là tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng, được thiết kế theo chuẩn đường đô thị, vận tốc 80km/giờ, mặt đường 61m với 10 làn xe có đầy đủ hệ thống hạ tầng: điện, cấp thoát nước, viễn thông, cây xanh, vỉa hè, dải phân cách giữa. Đây là một trong những tuyến đường rộng nhất của tỉnh và được xem như điểm nhấn kiến trúc trong phát triển công nghiệp - đô thị của thị xã Bến Cát và Bàu Bàng; là chuỗi giao thông liên kết các KCN - đô thị từ phía Bắc đến phía Nam của tỉnh; đồng thời mở ra hướng kết nối giao thông liên vùng từ biên giới Campuchia qua đường Hồ Chí Minh về Chơn Thành (Bình Phước), Bình Dương và ra các cảng nước sâu tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. 

Bên cạnh đó, tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng tạo lực để trục Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được thúc đẩy sớm hoàn thành, sẽ là trục liên kết giữa 3 huyện thông qua các trục chính, như: ĐT 746, ĐT 741, ĐT 750, ĐH 502, nhất là kết nối thông suốt với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Từ đó tạo điều kiện rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng; đồng thời giúp thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài lên khu vực này. 

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Cùng với triển khai thực hiện chiến lược hạ tầng đi trước, tỉnh Bình Dương cũng đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn dọc các tuyến giao thông huyết mạch, mở ra cơ hội lớn về thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn và hiện nhiều KCN đã cơ bản được lấp đầy như: Tam Lập 1, Tam Lập 2, Tam Lập 3, Tam Lập 4 và Phước Hòa (cùng trên địa bàn huyện Phú Giáo). Các KCN đang được triển khai xây dựng như: KCN VSIP 4 quy mô 1.000ha, An Linh 1.000ha, An Bình gần 1.000ha, Vĩnh Lập 1 hơn 750ha, Vĩnh Lập 2 với 500ha (huyện Phú Giáo). Đặc biệt là KCN VSIP 3 (huyện Bắc Tân Uyên), khi công bố khởi công (đầu năm 2022) đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài mạnh tay rót vốn, dần trở thành KCN kiểu mẫu của tỉnh. 

Việc đầu tư, đưa vào sử dụng các tuyến đường giao thông mới đã giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng, điển hình là tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng (dài 41,5km), đã giúp các doanh nghiệp giảm khoảng 30% thời gian tới các cảng trong khu vực Đông Nam bộ, cùng với đó, các chi phí logistics cũng giảm đáng kể. 

Ông Nguyễn Tấn Lực, Công ty Vận tải Sao Việt (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), cho hay, mỗi ngày, công ty có hàng chục xe vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp trong KCN và chủ yếu di chuyển qua tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng, đã giúp giảm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm, nhất là thời điểm giá xăng dầu biến động như thời gian qua. Số kinh phí tiết giảm đã được doanh nghiệp dùng làm quỹ phúc lợi, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Còn ông Lê Văn Quyền (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thì cho rằng: “Các tuyến đường trên địa bàn vừa được đầu tư đã giúp người dân ở khu vực TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một có thêm điều kiện phát triển, thu hút người lao động tới sinh sống. Nhiều khu nhà trọ công nhân mọc lên và gia đình ông cũng có 2 khu với gần 20 phòng trọ, hiện đã cho thuê kín, thu nhập hàng tháng từ tiền cho thuê nhà khoảng hơn 30 triệu đồng, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình từ mấy năm nay”.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện, động lực để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo; trong đó, hạ tầng giao thông cần được ưu tiên đầu tư và đi trước một bước. Các tuyến đường đang được đầu tư xây dựng phía Bắc của tỉnh còn có vai trò kết nối vùng quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp.