Giá các mặt hàng năng lượng và nguyên liệu công nghiệp dẫn đầu đà giảm

|

NDO - Thị trường hàng hóa diễn biến tương đối trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua, ngày 1/5, nhưng lực bán mạnh đối với một số mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,66% xuống 2.237 điểm.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô kém tích cực tiếp tục gây áp lực tới thị trường dầu thô, kéo giá dầu suy yếu trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp. Ở một diễn biến khác, giá đường 11 dẫn đầu đà giảm toàn thị trường, với mức giảm hơn 3% do nhu cầu tại Trung Quốc hạn chế. Cà-phê Arabica cùng nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng ghi nhận đà giảm giá nhẹ. Tâm lý các nhà đầu tư thận trọng hơn trong ngày giao dịch đầu tháng, kéo giá trị giao dịch toàn Sở giảm 16% xuống gần 3.500 tỷ đồng.

Dữ liệu sản xuất Trung Quốc và Mỹ kém sắc tạo áp lực lên giá dầu

Sức ép bán quay trở lại thị trường dầu khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc thu hẹp trong tháng 4.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên, giá dầu WTI giảm 1,46% xuống 75,66 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,27% xuống 79,31 USD/thùng.

Lực bán áp đảo ngay từ phiên mở cửa, khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tháng 4 của Trung Quốc bất ngờ về dưới ngưỡng 50, đạt mức 49,2 điểm, biểu thị sự thu hẹp quy mô của các nhà máy sau khi mở rộng trong 3 tháng đầu năm.

Trung Quốc dự kiến sẽ là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay. Tuy nhiên, đà phục hồi chậm hơn nhiều so với kỳ vọng đã khiến niềm tin này lung lay, thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng hơn dự kiến và đạt mức kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày trong tháng 3 do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc gom hàng để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu gia tăng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt thứ hai vào năm 2023 phản ánh thực trạng nguồn cung tương đối dồi dào so với nhu cầu trong ngắn hạn.

Nền kinh tế Mỹ chao đảo, cũng đã làm gia tăng sức bán trên thị trường dầu trong phiên hôm qua. First Republic, một trong số những nhà cho vay khu vực của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng vào tháng 3, đã chính thức bị bán cho Ngân hàng JPMorgan sau chuỗi ngày khó khăn. Lo ngại những sự sụp đổ còn tiềm ẩn, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ, cũng đã gây áp lực lên giá dầu.

Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ theo dữ liệu từ Viện Cung ứng (ISM) trong tháng 4 đã cải thiện hơn ở mức 47,1 so với mức 46,3 trong tháng 3, giúp giá dầu hồi phục nhẹ trong phiên tối. Tuy nhiên, đà tăng không quá mạnh khi PMI sản xuất ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ 5 liên tiếp, phản ánh sự thu hẹp sản xuất.

Giá đường dẫn đầu đà giảm trên thị trường hàng hóa

Lực bán cũng có xu hướng áp đảo đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá đường 11 giảm sâu ngay phiên đầu tuần với mức giảm 3,07% khi nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu do áp lực giá cao.

Việc sản lượng dự báo giảm ở hàng loạt các quốc gia sản xuất hàng đầu như: Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc khiến cho giá đường 11 tăng vọt lên mức cao nhất trong 12 năm. Chính việc giá đang ở mức đỉnh lịch sử, khiến quốc gia nhập khẩu đường hàng đầu thế giới là Trung Quốc đã hạn chế phần nào nhu cầu của mình, từ đó gây sức ép khiến giá đường giảm mạnh ngay phiên đầu tuần.

Trong khi đó, giá cà-phê Arabica có phiên giao dịch đầy giằng co, đóng cửa giảm nhẹ 0,19% so với mức tham chiếu. Mặt hàng này tiếp tục chịu những tác động trái chiều từ thông tin về nguồn cung trong ngắn và trung hạn.

Trong ngắn hạn, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE giảm thêm 7.798 bao loại 60kg, về mức 672.365 bao, thấp nhất trong 5 tháng qua. Hơn nữa, vẫn chưa có thông tin nào cho thấy lượng lưu trữ chuẩn bị được bổ sung, điều này phần nào ngụ ý hoạt động xuất khẩu còn khá ảm đạm tại các quốc gia xuất khẩu lớn, từ đó hỗ trợ giá.

Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại cả 2 quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Colombia đều được dự báo tích cực với sản lượng nới lỏng hơn 2 niên vụ trước, phần nào có thể bù đắp những thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó gây sức ép khiến giá giảm.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu cà-phê Việt Nam sang Mỹ

Theo MXV, mặc dù giá cà phê thế giới suy yếu trong phiên ngày 1/5, nhưng nhìn chung, xu hướng chính vẫn đang tăng trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Trong 4 tháng qua, giá cà-phê Việt Nam tăng 32%, hiện dao động quanh mức 50.900-51.500 đồng/kg. Điều này là tín hiệu tích cực thúc đẩy nông dân bán hàng và cải thiện kim ngạch xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 3 đạt 15,3 nghìn tấn, trị giá 34,52 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 2, so với tháng 3/2022 tăng 40,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.

Như vậy, tính chung quý I, xuất khẩu cà-phê sang thị trường Mỹ đạt xấp xỉ 39,4 nghìn tấn, trị giá 86,19 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà-phê Robusta sang thị trường Mỹ, nhưng giảm xuất khẩu cà-phê Arabica và cà-phê chế biến. MXV cho rằng để tăng cường vị thế và lợi nhuận ngành, việc đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng vẫn là yếu tố chính giúp xuất khẩu ngành cà-phê trong nước vững vàng.