Tách bạch quản lý nhà nước và dịch vụ đăng kiểm

|

Ngày 4-5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành, đại diện hiệp hội, chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), một số điểm mới trong dự thảo nghị định gồm: mở rộng đối tượng tham gia hoạt động kiểm định; sửa đổi quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới…

Bộ GTVT cho biết, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý nhà nước; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Cụ thể, các Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại địa phương. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước; tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên.

Ô tô xếp hàng dài chờ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nghị định mới cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm; đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ GTVT quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm, để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm, kiểm chuẩn thiết bị kiểm định…

Phó Thủ tướng cho rằng, cần bảo đảm sự quản lý thống nhất của Bộ GTVT trong lĩnh vực đăng kiểm bằng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện chung. Từ đó, các đơn vị đăng kiểm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp được phép, có thể tham gia thực hiện công tác đăng kiểm dân sự thay vì chỉ hỗ trợ trong tình huống cấp bách. Bộ GTVT cần bổ sung quy định cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường, tạo điều kiện thông thoáng, lành mạnh hoạt động xã hội hóa đăng kiểm.