Thực thi ESG trong ngành ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp

|

NDO - Việc thực thi  Bộ chỉ số ESG (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị)  trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 21/12, tại Hà Nội.

Hội thảo do Tiến sĩ Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước chủ trì với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương; các vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu…

ESG là vấn đề toàn cầu

Hiện nay, trên thế giới, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội đang trở thành xu hướng giúp định hướng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ chỉ số ESG (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị) là một trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm thiểu chi phí và rủi ro trong dài hạn thông qua triển khai các công nghệ mới và nâng cao hiệu quả vận hành, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp… Do đó, ESG đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

“ESG là vấn đề toàn cầu. ESG thể hiện nỗ lực của các công ty trong việc đánh giá, quản lý, giám sát một cách có hệ thống các rủi ro có tác động tiềm tàng, ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược về tài chính của công ty. Do vậy, ESG là một phần của chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp. ESG ngày càng trở thành công cụ bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh.

Tin liên quan
Thực hành đúng các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững

Theo nhiều ý kiến tại Hội thảo, ngành Ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro tín dụng. Chính vì vậy, ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG, tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam với tham luận tại Hội thảo có chủ đề: “ESG trong ngành Ngân hàng”, cũng đã nêu rõ cơ hội, cũng như thách thức để Việt Nam đạt được Net Zero. Trong đó, theo bà Michele Wee, biến đổi khí hậu có lẽ là thách thức cấp bách nhất mà thế giới ngày nay phải đối mặt. Vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành ở Việt Nam cần tiếp tục đồng hành, phối hợp hài hòa trong xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh. Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để áp dụng chung nhằm đánh giá khi cấp tín dụng xanh.

ESG là cơ hội của ngành ngân hàng

Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, với một số cải cách trong quy trình cấp tín dụng, do vậy, sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải giải quyết trong quá trình áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh như công tác triển khai, thẩm định những tác động môi trường, các rủi ro liên quan đến danh mục đầu tư, quản trị, đánh giá rủi ro ESG, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm trong các hoạt động ESG…

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức trong việc thực thi ESG trong ngành Ngân hàng; phân tích các mô hình, tác động việc thực thi ESG của các nước trên thế giới đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ đó đưa ra những tham mưu chính sách đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khuyến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; đồng thời, đưa ra các giải pháp để thực thi có hiệu quả ESG trong các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nói riêng.

“Các thông tin hữu ích từ sự kiện này sẽ đóng góp thiết thực vào việc thực thi ESG trong ngành ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Nhìn chung, các ý kiến tại Hội thảo đều đánh giá việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và nỗ lực của chính các ngân hàng, mục tiêu ESG đặt ra tại các ngân hàng Việt Nam có thể thực hiện được.

Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và quy định bắt buộc liên quan tới ESG để tạo động lực cho các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần điều chỉnh các quy định hiện hành để khuyến khích ngân hàng chủ động áp dụng ESG. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chủ động xây dựng chiến lược, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…

Những nỗ lực tích cực và đồng bộ của các bên liên quan sẽ giúp ngành Ngân hàng Việt Nam dần khắc phục được các thách thức và đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển trong thập kỷ sắp tới. Với chiến lược có chủ đích và nỗ lực phối hợp, các ngân hàng có thể vượt qua những trở ngại để hoàn toàn tích hợp các yếu tố ESG như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.