Phát triển vùng sản xuất hàng hóa ở Hà Giang

|

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã thành lập hàng trăm nhóm cùng sở thích phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở thôn, bản, dưới sự hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang.

Thông qua hoạt động của các nhóm cùng sở thích, đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Chương trình CPRP đã thành lập các nhóm cùng sở thích trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì. Nhóm cùng sở thích được thành lập tự nguyện, tập hợp những hộ cùng chí hướng phát triển kinh tế với những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh ở thôn, bản. Chương trình hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các nhóm hoạt động nhằm đạt mục tiêu là nâng cao năng lực, tính sáng tạo cho các thành viên tham gia, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường. Đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Thôn Tát Hạ, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên là vùng sản xuất nấm hương cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Trước kia, người dân sản xuất nấm với quy mô nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết sản xuất, cho nên năng suất, sản lượng nấm không cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Năm 2017, mười hộ dân trong thôn đã thành lập nhóm cùng sở thích trồng nấm, cùng bàn bạc xây dựng phương án sản xuất nấm quy mô lớn. Phương án này được chương trình CPRP phê duyệt và đã giải ngân 110 triệu đồng hỗ trợ cho nhóm đầu tư sản xuất.

Chị Hoàng Thị Diên, Trưởng nhóm trồng nấm thôn Tát Hạ cho biết, mỗi thành viên trong nhóm góp thêm năm triệu đồng cho nên quỹ của nhóm có 160 triệu đồng. Có vốn, nhóm đầu tư xây dựng khu sản xuất nấm quy mô tập trung, mua lò hấp, máy phun sương, giống nấm. Thành viên trong nhóm cùng lao động, trao đổi kinh nghiệm, cho nên việc sản xuất nấm diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó, ngay trong năm đầu đã có doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Nhóm thống nhất trả công lao động cho các thành viên, trả chi phí đầu tư cơ sở vật chất vào quỹ để có vốn hoạt động lâu dài, số tiền lãi các thành viên chia đều. Từ năm thứ hai trở đi nguồn thu sẽ lớn hơn bởi không phải đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.

Chị Hoàng Thị Diên khẳng định: “Cái được lớn nhất khi tham gia nhóm đó là các thành viên cùng trao đổi, lo toan việc trồng nấm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Do đó năng suất, sản lượng cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định hơn khi làm nhỏ lẻ”.

Yếu tố quan trọng nhất để được chương trình CPRP Hà Giang hỗ trợ kinh phí (cao nhất là 110 triệu đồng/nhóm) đó là, các nhóm phải xây dựng được phương án sản xuất có tính khả thi cao, việc lựa chọn các loại cây, con giống đầu tư cũng phù hợp kinh nghiệm của người dân và là những loại cây trồng đặc trưng. Thí dụ, tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, các nhóm cùng sở thích tập trung chính vào trồng cam, chăn nuôi gia súc, gia cầm; các nhóm cùng sở thích ở huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì tập trung sản xuất chè Shan tuyết, nuôi dê, trồng thảo quả… Ngoài hỗ trợ kinh phí, chương trình cũng lựa chọn những gia đình có kinh nghiệm sản xuất đưa đi tập huấn kỹ thuật, phương pháp truyền đạt. Đây là những “báo cáo viên nông dân”, họ sẽ trở thành hạt nhân ở các nhóm, là người truyền đạt kiến thức sản xuất cho người dân trong vùng.

Từ năm 2016 đến nay, chương trình CPRP tỉnh Hà Giang đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho gần 200 nhóm cùng sở thích với hơn hai nghìn thành viên tham gia. Các nhóm sử dụng nguồn quỹ linh động, phù hợp với lĩnh vực sản xuất. Phần lớn đều thực hiện cho vay có thu hồi, các nhóm sản xuất cây trồng thì cho vay vốn để mua vật tư, phân bón, cây giống; các nhóm cùng sở thích chăn nuôi thì cho vay làm chuồng trại, mua con giống, thức ăn chăn nuôi… Qua kiểm tra, các nhóm cùng sở thích đều hoạt động hiệu quả, tuân thủ theo phương án sản xuất. Nhiều nhóm trồng trọt, chăn nuôi đã có sản phẩm bán ra thị trường, dần hình thành các điểm sản xuất tập trung, hàng hóa.

Xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì có thế mạnh về sản xuất chè Shan tuyết. Trên địa bàn xã hiện có nhiều nhóm sở thích trồng chè, trong đó có nhóm trồng chè ở thôn Nậm Piên. Ông Hoàng Sùn Seng, thành viên nhóm trồng chè thôn Nậm Piên nói: “Trước kia làm chè truyền thống, thường để mặc cho chè phát triển tự nhiên cho nên cây chè già cỗi, năng suất thấp. Khi tham gia nhóm cùng sở thích, mỗi tháng chúng tôi có một vài buổi ngồi trao đổi, thảo luận về kỹ thuật, những kiến thức liên quan đến cây chè. Nhờ vậy mà tôi biết chăm sóc chè đúng kỹ thuật, lại được vay vốn để mua phân bón, máy móc sản xuất, mua giống chè về trồng dặm. Vườn chè hơn sáu héc-ta của gia đình tới năm nay sẽ đạt năng suất, sản lượng cao hơn năm ngoái”.

Nhằm giúp người trồng chè ở Nậm Ty có đầu ra ổn định, chương trình CPRP cũng đầu tư cho HTX Dịch vụ Thương mại Nậm Ty, một trong những đơn vị chuyên về thu mua, chế biến chè búp tươi ở xã, 620 triệu đồng. Để được nhận tiền hỗ trợ, HTX phải đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, dây chuyền chế biến hiện đại, đồng thời phải ký hợp đồng thu mua chè búp tươi cho các thành viên nhóm sở thích trồng chè trên địa bàn xã. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Thương mại Nậm Ty Lương Văn Chung cho biết: “Với dây chuyền chế biến mới được đầu tư, mỗi năm HTX cũng bảo đảm thu mua hàng nghìn tấn chè cho người dân trong xã. HTX cũng ký hợp đồng và cam kết với người dân trồng chè là sẽ thu mua với giá cao hơn so với giá thu mua bình quân ngoài thị trường”.

Giám đốc Ban điều phối Chương trình CPRP tỉnh Hà Giang Bế Xuân Đại cho biết, chương trình CPRP cũng triển khai nhiều hợp phần đầu tư khác nhằm tạo sự đồng bộ cho các địa phương thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Trong đó, tập trung chính vào việc đầu tư đường giao thông nông thôn; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất để bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi giá trị các loại cây, con chủ lực; xây dựng quy trình sản xuất và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm. Năm 2018, chương trình sẽ thực hiện hoạt động “Đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp”, đây là hoạt động hỗ trợ cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển từ sản xuất sản phẩm thô, sản phẩm nguyên liệu sang chế biến sâu, có đăng ký nhãn mác, thương hiệu, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.