Quảng Bình hỗ trợ người dân trồng rừng

|

Khác với trước đây, người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác trái phép lâm sản, 5 năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Quảng Bình đã phát triển trồng rừng kinh tế, làm giàu vốn rừng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập để thoát nghèo mà nhiều hộ đồng bào DTTS định cư bên dải Trường Sơn đã giàu lên nhờ trồng rừng.

Ðời sống khá lên

Nói đến việc trồng rừng của đồng bào DTTS ở Quảng Bình, không thể không nhắc đến các hộ dân tộc Vân Kiều ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Ở đây, địa thế đồi núi tương đối bằng phẳng, lại được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất lâm nghiệp cho nên nhiều người dân đã biết đầu tư trồng rừng, mang lại nguồn thu khá cao.

Ở thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy ai cũng biết chị Hồ Thị Thơi, bởi chị là tấm gương trong phong trào phụ nữ người DTTS làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, cả gia đình chị với tám thành viên chỉ dựa vào mấy sào ruộng nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị trăn trở, mình đang sống trên một vùng đất màu mỡ, phải biết khai thác để nâng cao thu nhập cho gia đình. Qua tìm hiểu các kênh thông tin, vợ chồng chị Thơi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lệ Thủy để phát triển mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng. Gia đình chị Thơi đã đầu tư mua 10 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng keo, tràm, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Sau 5 năm, nguồn thu của gia đình tăng dần từ việc xuất bán lợn thịt, cá thịt và bây giờ là rừng keo lai với số tiền gần 500 triệu đồng. Tương tự như chị Thơi, gia đình chị Hồ Thị Con, ở bản Bến Ðường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh trước cũng là hộ nghèo. Không cam chịu cuộc sống cơ cực, chị Con quyết tâm tìm đường thoát nghèo. Ðể có kiến thức, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Từ những bước đi đầu tiên, đến nay, gia đình chị đã có 10 ha rừng trồng keo lai vào độ thu hoạch, ba ha đất trồng sắn, đậu xanh, lúa rẫy và cỏ chăn nuôi. Với suy nghĩ, mình làm được thì hướng dẫn bà con trong bản cùng làm theo để thoát nghèo, chị Hồ Thị Con đã tích cực vận động dân bản không phá rừng chặt cây lấy gỗ mà nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành.

Còn tại bản Nước Ðắng, xã Trường Sơn, hai ông Hồ Khay và Hồ Râng nhiều năm qua luôn miệt mài với việc trồng và chăm sóc rừng theo cách riêng. Trong khi đồng bào ở xã Trường Sơn trồng rừng bằng các loại giống keo, tràm, thì hai ông Hồ Khay và Hồ Râng lặng lẽ vào rừng tìm những giống cây bản địa như huỵnh, lim, sưa... đưa về trồng. Hiện, hai khu rừng liền kề của họ rộng hơn 20 ha nơi đầu nguồn sông Long Ðại. Ðến đây, chúng tôi có cảm giác như đang bước vào một cánh rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ thẳng tắp, cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt. Ông Hồ Khay cho biết, trong khu rừng rộng hơn 10 ha của ông hiện có hơn 600 cây huỵnh, 600 cây lim và nhiều giống cây rừng bản địa khác. Còn rừng của ông Hồ Râng cũng có hơn 300 cây huỵnh, trong đó có những cây nếu khai thác, khối lượng gỗ đạt hơn 5 m3.

Khuyến khích trồng rừng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện có 591.411 ha rừng, trong đó 480.212 ha rừng tự nhiên và 111.199 ha rừng trồng. Quảng Bình là tỉnh đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với 67,5%. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các DTTS. Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn có rất nhiều điển hình tiêu biểu đồng bào DTTS thực hiện tốt phong trào sản xuất giỏi như: Anh Ðinh Hợp, dân tộc Vân Kiều ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; anh Hồ Viên, dân tộc Chứt, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa...

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, tại xã biên giới Trường Sơn, sau khi được bóc tách từ các lâm trường, chính quyền các cấp đã giao gần 3.000 ha rừng tự nhiên cho người dân quản lý, bảo vệ. Huyện hỗ trợ cây giống, hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, lấy cộng đồng dân cư làm nòng cốt. Ðất rừng giao đến từng hộ dân, bà con trồng keo, tràm xen với cây sắn, đậu xanh và kết hợp chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân cho rằng, trước đây đồng bào DTTS sinh sống ở những nơi đất đai rộng lớn nhưng lại thiếu đất sản xuất, cho nên đời sống khó khăn, trong khi các công ty lâm nghiệp, các lâm trường lại chiếm phần lớn diện tích đất rừng và nhiều nơi sử dụng không hiệu quả. Vì thế, tỉnh thực hiện việc điều chỉnh lại diện tích đất rừng và rừng để giao một phần cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý, sản xuất. Ðến nay, diện tích rừng đã giao đạt hơn 5.000 ha. Cùng với quy hoạch, giao đất lâm nghiệp để các hộ dân trồng rừng kinh tế, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương có chính sách hỗ trợ cây giống, hướng dẫn đồng bào quy trình trồng và chăm sóc rừng , cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý rừng tự nhiên. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng bằng các loại cây bản địa, bởi khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị cao.