Giúp người khuyết tật từng bước thoát nghèo

|

Bắc Cạn hiện có khoảng 6.000 người khuyết tật, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng khó khăn. Để quan tâm, chăm lo tới đối tượng này, tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ công ăn, việc làm giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Với phương châm “trao cần câu” và dạy “cách câu” để người khuyết tật cải thiện công việc phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, từng bước thoát nghèo, Bắc Cạn tập trung hỗ trợ xây dựng những mô hình kinh tế nông nghiệp. Xã Cư Lễ, huyện Na Rì có 30 người khuyết tật, trước đây, đời sống người dân rất khó khăn do khả năng lao động thấp. Từ năm 2016, Bắc Cạn triển khai mô hình “Ngân hàng bò” đã tạo điểm tựa về kinh tế cho nhiều gia đình có người khuyết tật.

Anh Nông Văn Dung, thôn Khau Ngòa, xã Cư Lễ bị khuyết tật chân, đi lại phải chống gậy, hai vợ chồng sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, cho nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Được “Ngân hàng bò” hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình anh đã có điều kiện phát triển kinh tế. Anh Dung cho biết, năm 2017, bò mẹ sinh được một bê con, gia đình đã bàn giao cho hộ có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn xã. Hiện bò mẹ đang chuẩn bị sinh sản lứa bê thứ hai, đó mới chính thức là tài sản của gia đình.

Toàn xã Cư Lễ có 11 hộ được hỗ trợ 10 bò cái và một bò đực, sau hai năm thực hiện đã tăng thêm chín bê con. Khi bò mẹ đẻ lứa đầu, nếu là bê cái hộ dân đó sẽ nuôi đến 12 tháng tuổi và chuyển giao bê con cho hộ khuyết tật nghèo khác nuôi. Nếu sinh bê đực, đến 12 tháng tuổi, hộ dân sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương bán con bê đực, mua một con bê cái khác để trao. Đến nay, đã có năm bê con được bàn giao cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng tổng số hộ có bò sinh sản lên 15 hộ, giúp các hộ từng bước thoát nghèo.

Từ năm 2012 đến 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay không lãi suất tại ngân hàng, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã hỗ trợ 67 con trâu, bò sinh sản với tổng trị giá gần một tỷ đồng cho 67 hộ nghèo có người khuyết tật ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và Na Rì. Được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, việc chăn thả trâu, bò là cách làm phù hợp với người khuyết tật.

Ngoài ra, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh còn hỗ trợ bảy máy tẽ ngô, bảy téc nước cho người khuyết tật ở xã Quân Bình, huyện Bạch Thông; giới thiệu dạy nghề may, sửa chữa điện tử, kim hoàn, thêu… cho hơn 140 người khuyết tật. Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho 80 người khuyết tật; tạo việc làm mới, giới thiệu việc làm cho 90 người khuyết tật. Việc hỗ trợ kịp thời, phù hợp của tỉnh Bắc Cạn đã góp phần tạo công ăn, việc làm bền vững cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn và từng bước thoát nghèo.