Thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng

|

Tuần qua, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ðáng chú ý, năm nay, hoạt động livestream để quảng bá và giới thiệu sách được nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách triển khai có chất lượng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng. Hướng đi mới này đã góp phần đưa sách đến gần với độc giả đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong cộng đồng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, hình thức livestream (video truyền phát trực tiếp) ngày càng được nhiều người sử dụng mạng xã hội yêu thích vì giúp dễ dàng theo dõi cũng như tương tác với sự kiện ngay cả khi không có điều kiện tham gia trực tiếp.

Trong các hoạt động của Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp những hoạt động của mình.

Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh đã nhanh chóng khai thác lợi thế từ hình thức livestream để tổ chức sự kiện quảng bá thương hiệu, giới thiệu và bán sản phẩm. Trong lĩnh vực xuất bản, phát hành, livestream dần được nhiều nhà xuất bản, công ty sách quan tâm lựa chọn như một hướng đi mới nhiều triển vọng.

Mới đây, trong các hoạt động của Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp những hoạt động của mình.

Như tại Hà Nội, Linh Lan Books livestream buổi tọa đàm “Những cuốn sách đi tìm độc giả”, chia sẻ câu chuyện PR và marketing trong ngành xuất bản; Thái Hà Books với livestream về “Khuyến đọc Việt Nam thời chuyển đổi số”…

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Sbooks đã chủ động bài trí, sắp xếp không gian tại quầy sách của mình với mục tiêu phục vụ cho các phiên livestream nhằm kết nối với nhiều độc giả trên khắp mọi miền đất nước.

Chia sẻ về cách làm này của công ty, ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Giám đốc Sbooks cho biết: “Livestream không phải một phương thức quá mới, nhưng trong ngành sách chưa bao giờ là một phương thức được ưu tiên trong việc truyền thông tiếp cận khách hàng. Khi quyết định đầu tư thiết bị, nhân sự để livestream trong hai ngày 18 và 19/4 vừa qua, tôi biết rằng đây là một việc làm có ý nghĩa tiên phong, mở ra một con đường phát triển cho sách, cho văn hóa đọc”. Sự mạnh dạn của Sbooks đã thu lại được kết quả ấn tượng. Chỉ tính riêng trong tối 19/4, livestream của công ty đã thu hút hơn 150.000 lượt xem, đạt doanh thu 250 triệu đồng, tăng gấp 7 lần so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Tuy nhiên, không cần phải đợi đến sự kiện Hội sách mà ngay từ đầu năm 2024, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt chú trọng phát huy lợi thế của hình thức livestream trong các hoạt động của mình. Tại Linh Lan Books thường xuyên thực hiện livestream với nhiều chủ đề đa dạng để tương tác với độc giả và đã mang lại những kết quả khả quan. Như một buổi livestream ra mắt sản phẩm mới kéo dài 3 giờ đồng hồ đã giúp Linh Lan Books có được doanh thu là 42 triệu đồng.

Sự chú trọng, đầu tư vào việc livestream giới thiệu và bán sách được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng, nhất là các đơn vị tư nhân đã và đang tác động mạnh mẽ đến những đơn vị xuất bản, phát hành trên toàn quốc. Rõ ràng trong bối cảnh thị trường có nhiều sự cạnh tranh, các đơn vị xuất bản dù có thương hiệu lâu đời hay mới thành lập nếu muốn tồn tại và phát triển buộc phải có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.

Thực tế hình thức livestream quảng bá, giới thiệu sách mới chỉ nở rộ và dần trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây. Ðặc biệt phải kể đến dấu mốc năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và hoành hành. Thời điểm đó, livestream đã góp thêm một cách tiếp cận khách hàng mới cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ngành xuất bản, phát hành cũng không nằm ngoài xu thế đó. Phương thức mua sách online, giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách trực tuyến bắt đầu trở nên quen thuộc với độc giả.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Hội sách Quốc gia được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Khuyến khích văn hóa đọc trong mùa dịch”. Cùng với đó hàng chục sự kiện tọa đàm, giao lưu trực tuyến đã diễn ra, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tiêu biểu có thể kể đến Thái Hà Books, Ðông A, Saigonbooks... thường xuyên tổ chức các sự kiện trực tuyến, tọa đàm Bàn tròn văn học giúp tác giả, tác phẩm đến gần với bạn đọc, thúc đẩy sự hứng thú đọc sách trong cộng đồng.

Nhờ “cú hích” từ các sự kiện này số lượng sách bán ra, doanh thu của các đơn vị làm sách thông qua hình thức livestream đạt con số ấn tượng, giúp thị trường sách từng bước “phá băng”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Như talkshow “Triều đại Tây Sơn và Lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII” của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức livestream đã thu hút 2.400 lượt xem và hàng nghìn lượt người theo dõi. Chính vì thế bất chấp dịch Covid-19, năm 2020 được ví là năm được mùa của livestream giới thiệu sách.

Bước qua thời kỳ dịch bệnh, yêu cầu của chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác những lợi thế của mạng xã hội cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã trở thành một xu thế tất yếu của toàn xã hội. Trong hoạt động của lĩnh vực xuất bản, phát hành cho thấy sự trì trệ, chậm đổi mới đã khiến cho nhiều đơn vị dần bị tụt hậu, kém phát triển, hoạt động cầm chừng và thậm chí không đủ điều kiện để tồn tại nên phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường vốn đầy thách thức và áp lực.

Ngược lại, nếu biết chủ động nắm bắt xu thế vận động của xã hội, sẵn sàng đổi mới, đa dạng hoạt động, biết tận dụng, khai thác những lợi thế của công nghệ cũng như các nền tảng mạng xã hội sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp cho nhiều đơn vị xuất bản khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng của mình trên thị trường.

Theo đánh giá của nhiều đơn vị xuất bản, hình thức livestream có nhiều ưu điểm là giúp xóa bỏ những khoảng cách về thời gian và không gian, thông tin đến người xem trực tiếp, không hạn chế lượng người tham gia, theo dõi, tiết giảm chi phí cho đơn vị tổ chức sự kiện, tăng tương tác, nhờ đó góp phần kích cầu tiêu dùng,... Hơn nữa trong bối cảnh thị trường có rất nhiều đầu sách mới được ra mắt hàng tuần, độc giả rất dễ mất phương hướng nên cần những kênh thông tin khác nhau, trong đó có cả việc theo dõi livestream bán sách để dễ lựa chọn.

Tuy nhiên không phải cá nhân, đơn vị xuất bản nào cũng có thể livestream tùy thích trên các nền tảng mạng xã hội. Nhà văn Ðức Anh, giám đốc truyền thông đồng thời là cổ đông sáng lập Linh Lan Books cho biết muốn bán hàng hiệu quả đơn vị xuất bản nên livestream trên một kênh thương mại điện tử mạnh như Lazada hay Shopee bởi lẽ ở đó người mua đã có sẵn thói quen mua sắm, kể cả là người đọc sách. Người dẫn dắt buổi phát sóng trực tiếp muốn thu hút được nhiều người theo dõi phải bảo đảm hai yếu tố: biết tương tác nói chuyện với năng lượng cao, liên tục và am hiểu về các tựa sách.

Tuy vậy, theo dõi một số hoạt động livestream bán sách hiện nay, độc giả không khỏi có những lúc thất vọng, phiền lòng. Bởi việc rao bán sách đang được một số nơi thực hiện một cách cẩu thả, tùy tiện, thậm chí đơn vị/cá nhân thực hiện livestream bất chấp mọi cách để bán được sách, kể cả việc dùng những ngôn từ dung tục, phản cảm để câu view, câu like. Ðã xuất hiện tình trạng những cuốn sách có nội dung yếu kém, biên tập ẩu, thậm chí có nội dung phản cảm, sai dữ liệu lịch sử,... vẫn được một số đơn vị xuất bản dành cho những lời quảng bá “có cánh” miễn sao độc giả thấy lôi cuốn để nhanh tay chốt đơn.

Cùng với đó, người livestream giới thiệu thông tin về tác giả, tác phẩm không chính xác, có thái độ khiếm nhã khi bị góp ý khiến người theo dõi không khỏi bất bình. Trong một số trường hợp, độc giả cho biết họ ham mua sách qua livestream nhất là những chương trình “xả kho bán sách” song chỉ nhận về những sản phẩm bị in lỗi, sách cũ, bị quăn mép, long gáy, rách trang... không giống như những gì đơn vị xuất bản quảng cáo.

Có độc giả đã phát hiện việc livestream bán sách trên nền tảng mạng xã hội của một số đơn vị tiếp tay cho sách lậu, thậm chí những cuốn sách cấm, bị cơ quan chức năng ra văn bản thu hồi. Những việc làm này tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản, phát hành sách nói chung và phương thức livestream quảng bá, lan tỏa sách trên các nền tảng mạng xã hội nói riêng. Hệ quả là đã có những độc giả bất bình với một số hành vi chưa đẹp trong việc phát sóng bán sách trực tiếp quay lưng lại với chính tác giả, tác phẩm và đơn vị xuất bản.

Cần thấy rằng trong bối cảnh “cuộc sống số”, khi các thiết bị công nghệ hiện đại thu hút ngày càng nhiều người tham gia trải nghiệm, đặc biệt là giới trẻ thì việc tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá và lan tỏa sách đến cộng đồng là cần thiết và cũng là yêu cầu có tính cấp bách. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản cũng cần cẩn trọng trong cách thức thực hiện. Sách là sản phẩm văn hóa do đó cũng đòi hỏi cách thức thực hiện khác biệt với những sản phẩm tiêu dùng thông thường khác.

Việc quảng bá tuyệt đối không thể lố bịch, kệch cỡm, “treo đầu dê bán thịt chó”. Ðể xây dựng thương hiệu bền vững, các đơn vị xuất bản cần sàng lọc, lựa chọn cho ra mắt những đầu sách có chất lượng, không thể chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả mà cho ra mắt những đầu sách có nội dung nhảm nhí, phản cảm, cổ xúy bạo lực và lối sống hưởng thụ ích kỷ, sa đọa.

Cần xác định rằng mọi lời quảng bá dù hoa mỹ đến đâu, những ứng dụng công nghệ dù tân tiến, hiện đại thế nào cũng không thể thay thế cho chất lượng thật sự của mỗi cuốn sách, đó mới là giá trị đích thực mà người đọc cần đến và từ đó mới góp phần phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng.