Bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ số cho người dân

|

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nỗ lực bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận công bằng với công nghệ số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mức hưởng thụ công nghệ của người dân đang ít nhiều có sự chênh lệch giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng khác nhau, từ đó tạo nên rào cản cho quá trình chuyển đổi số toàn diện và sự phát triển chung của xã hội. Vì thế, cần có những định hướng và giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ số là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, công nghệ số là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số..., từ đó tạo cơ hội để người dân được thụ hưởng tốt nhất các quyền con người cơ bản. Vì thế, bảo đảm tiếp cận công bằng với công nghệ số luôn là ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay mức hưởng thụ công nghệ của người dân vẫn ít nhiều có sự chênh lệch giữa các vùng, miền; cũng như giữa các nhóm đối tượng.

Có thể thấy rõ nhất sự chênh lệch này đối với đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây cho thấy hiện có 10,3% số hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng máy vi tính. Tỷ lệ đồng bào sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh tăng nhưng vẫn tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao. Từ thực tế nêu trên cho thấy, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông chưa được xây dựng đầy đủ và phủ sóng ở tất cả các vùng dân tộc thiểu số, làm hạn chế khả năng truy cập, tiếp cận và khai thác công nghệ số của đồng bào.

Nhiều chương trình, đề án, dự án của Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội mà chưa chú trọng đầu tư đúng mức vào các ứng dụng công nghệ thông tin dành riêng, phù hợp với trình độ, nhận thức, ngôn ngữ, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Những điều này trở thành rào cản lớn đối với việc đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ và tiếp nhận thông tin. Cùng với đó, người dân ở một số vùng dân tộc thiểu số chưa mặn mà với công nghệ, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, sự khác biệt về tỷ lệ hộ sử dụng máy vi tính giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn cũng khó chênh lệch. Từ đây tạo ra sự khác biệt về cơ hội tiếp cận công nghệ của người dân giữa các khu vực này.

Mức hưởng thụ công nghệ số thấp còn là thực trạng ở nhóm người khuyết tật, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng nhưng chi phí cho các nền tảng kỹ thuật số vẫn còn cao, vì vậy, nhiều người hiện còn gặp khó khăn trong vấn đề tận dụng tiềm năng của các nền tảng số để cải thiện chất lượng cuộc sống. Công nghệ số đòi hỏi người sử dụng phải có tiền để mua thiết bị, trong khi đó, người nghèo còn nhiều nỗi lo và không đủ tiền để trang bị điện thoại thông minh, máy tính, kết nối internet. Còn đối với người khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật chân tay hay thiểu năng trí tuệ), vẫn chưa có nhiều công cụ, sản phẩm, tiện ích hỗ trợ họ tiếp cận công nghệ. Chưa kể, việc cài đặt các chương trình, ứng dụng và cách sử dụng cũng không hề đơn giản với người khuyết tật. Những thực tế này dẫn đến hệ quả là số lượng người khuyết tật tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin còn thấp và có xu hướng tăng chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ số của xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, phần lớn người cao tuổi cảm thấy e ngại công nghệ số, gặp khó khăn khi thao tác quét mã (QR), trả tiền qua ví điện tử, qua ứng dụng...

Việc bảo đảm tiếp cận công bằng với công nghệ số cũng là thách thức với nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình và điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn như Việt Nam, thách thức này còn lớn hơn rất nhiều. Cần thấy rằng khoảng cách công nghệ càng lớn, càng là rào cản đối với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Do đó Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực hướng tới thu hẹp khoảng cách này thông qua việc mở rộng tiếp cận internet đến vùng nông thôn và khu vực khó khăn, nâng cao trình độ kỹ thuật số và tăng cường hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý để công nghệ số cùng với chuyển đổi số đi đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ con người.

Ngày 12/4/2019, Chính phủ đã ra Quyết định 414/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025”. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền bình đẳng về mọi mặt, trong đó có cơ hội tiếp cận công nghệ số của đồng bào dân tộc và miền núi.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, thể hiện trong các quy định của Luật Người khuyết tật và văn bản dưới Luật. Tiêu biểu có thể kể đến Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng thông tin điện tử hỗ trợ người khuyết tật; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ có thể hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến...

Bất chấp những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, các đối tượng thù địch, thiếu thiện chí đã lợi dụng một số hạn chế, tiêu cực trong xã hội; những thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật ở từng bộ phận, địa phương, tổ chức, cá nhân, nhất là địa bàn còn nhiều khó khăn, sự phân hóa, chênh lệch giàu nghèo... để chống phá, bóp méo chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Chúng xuyên tạc rằng chính sách, pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận, tôn trọng đầy đủ quyền của nhóm dễ bị tổn thương và Việt Nam tạo rào cản trong tiếp cận và hưởng thụ các quyền như quyền được hưởng thụ công nghệ, quyền lao động việc làm, quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và các quyền an sinh xã hội khác của nhóm yếu thế.

Cần khẳng định rằng, những khó khăn, bất cập là khó tránh khỏi trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia hay chế độ chính trị nào. Vì thế, những luận điệu vô căn cứ nêu trên đều xuất phát từ góc nhìn phiến diện và động cơ chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản động. Những kết quả tích cực, những thay đổi toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội nói chung và trong việc bảo đảm người dân được tiếp cận công bằng với công nghệ số nói riêng không chỉ khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà còn là minh chứng sinh động, đập tan các âm mưu, luận điệu phủ nhận thiếu thiện chí của các thế lực thù địch.

Trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm tiếp cận công bằng với công nghệ số là điều kiện cần thiết để bảo đảm kinh tế-xã hội phát triển bền vững và đồng đều hơn. Vì thế, cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ những việc đã làm được, đồng thời, tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong hưởng thụ công nghệ giữa các vùng, miền, giữa các nhóm người trong xã hội, nhất là nhóm yếu thế. Nâng cao nhận thức và năng lực của người dân nói chung và nhóm yếu thế nói riêng về ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó, tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ số, hòa nhập hơn vào xã hội số. Giảm tỷ lệ hộ nghèo để người dân có điều kiện trang bị các thiết bị công nghệ và kết nối internet.

Mặt khác, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng mạng internet, nhất là các ứng dụng về công nghệ phù hợp với đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để người dân có cơ hội tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn, tập huấn cho người dân biết cách sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ hữu ích cho đời sống hằng ngày, nhất là các dịch vụ hành chính công, y tế công... Đối với người khuyết tật, các doanh nghiệp công nghệ cần nghiên cứu, sáng tạo nhiều ứng dụng, phần mềm, công cụ hỗ trợ thân thiện, giúp họ sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ để có công việc tốt hơn trong tương lai, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.