Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở địa bàn khó khăn (Kỳ 1)

|

Những năm qua, các tỉnh miền núi phía bắc đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) tại các địa bàn khó khăn. Nhờ đó, đã phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSÐ, nhất là vai trò chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, không ít khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, đòi hỏi các cấp ủy tiếp tục nâng cao chất lượng TCCSÐ và phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bài 1: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức Ðảng

Sau khi kiện toàn TCCSÐ, các cấp ủy tại địa bàn khó khăn đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Quá trình triển khai đã xuất hiện cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác phát triển đảng, mang lại hiệu quả cao.

Nhiều cách làm sáng tạo

Miền núi phía bắc là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Ðầu nhiệm kỳ 2010-2015, vẫn còn hàng trăm thôn, bản, đơn vị ở vùng biên giới, thuộc các tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng… không có đảng viên và chi bộ, có nơi do số đảng viên ít, cho nên phải sinh hoạt chi bộ ghép. Thực trạng này dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng xấu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, lôi kéo quần chúng thực hiện những hành vi trái pháp luật, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Chính vì vậy, việc kiện toàn, củng cố TCCSÐ, bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng ở địa bàn các xã khó khăn là yêu cầu cấp thiết, được các cấp ủy cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Với quyết tâm cao, quá trình triển khai thực hiện bài bản, đến nay, về cơ bản, các địa bàn khó khăn không còn bản "trắng" đảng viên, "trắng" chi bộ, cũng như giảm tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép.

Ở huyện vùng cao, biên giới Mường Khương (tỉnh Lào Cai), đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy đã thành lập bốn tổ giúp việc để giúp các xã, thị trấn còn khó khăn về công tác phát triển đảng; mỗi tổ có bảy thành viên, do lãnh đạo các ban xây dựng Ðảng của Huyện ủy làm tổ trưởng; bí thư đảng ủy các xã, thị trấn làm tổ phó, chuyên viên các ban xây dựng Ðảng của Huyện ủy làm thành viên. Tổ giúp việc cùng đảng ủy các xã, thị trấn rà soát số đảng viên tại các thôn, bản, tổ dân phố, nơi nào có đủ điều kiện thì cho thành lập chi bộ. Ðồng thời, tập trung tìm nguồn là các nhân tố tiêu biểu tại địa phương để giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp Ðảng. Ở cơ sở, cấp ủy tiếp tục có những hình thức linh hoạt hơn. Thiếu tá Trần Xuân Khánh, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tung Chung Phố (cán bộ Ðồn Biên phòng Mường Khương tăng cường cho xã) cho biết: "Ðảng ủy xã cử các đảng viên là cán bộ xã xuống sinh hoạt trực tiếp tại các chi bộ thôn và làm bí thư chi bộ ở những thôn có từ ba đảng viên chính thức trở lên. Khi xuống cơ sở, các đồng chí này có trách nhiệm gây dựng phong trào; khi nào giúp đỡ được từ hai đến ba đảng viên mới, mới rút về chi bộ cũ. Ðảng ủy xã còn phân công các chi bộ khá giúp đỡ các chi bộ yếu trong việc tham mưu công tác phát triển Ðảng và hoàn thiện hồ sơ kết nạp Ðảng". Với cách làm sâu sát như vậy, chỉ sau thời gian ngắn, các xã đều đã xóa được tình trạng chi bộ ghép. Các xã Cao Sơn, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ trước đây gặp nhiều khó khăn trong tạo nguồn kết nạp đảng viên, nay đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai Ngô Hữu Quý, đến nay toàn tỉnh Lào Cai kết nạp thêm được 2.373 đảng viên, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tất cả chi bộ độc lập, không còn chi bộ ghép. Ðây là những nhân tố quan trọng góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, củng cố an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Ðầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện biên giới Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) là huyện đặc biệt khó khăn, với hơn 50 bản, đơn vị không có chi bộ. Nhiều chi bộ phải sinh hoạt ghép, một số bản, trường học còn "trắng" đảng viên. Ðể khắc phục, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ bản, cơ quan, trường học và trạm y tế. Theo Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ Trương Quang Phiệt, trong giai đoạn đó, đảng ủy các cấp đã phân công, luân chuyển, điều động hơn 100 đảng viên về công tác, sinh hoạt tại các điểm bản, các trường, trạm y tế chưa có đảng viên hoặc chưa thành lập được chi bộ, nhằm phát triển đảng viên, thành lập chi bộ. Nhờ vậy, chỉ sau hai năm thực hiện nghị quyết, đến cuối năm 2013, huyện đã xóa tình trạng " trắng" chi bộ, các chi bộ có nguy cơ "tái trắng" được kiện toàn. Nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy tiếp tục ban hành nghị quyết về nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên gắn với xây dựng, củng cố chi bộ ở bản, trường học, trạm y tế. Ðến nay, huyện đã kết nạp mới được hơn 600 đảng viên, trong đó số đảng viên là người địa phương, đảng viên trong độ tuổi từ 18 đến 30 đều chiếm hơn 70%… Ðồng chí Sùng A Di, Bí thư Ðảng ủy xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ) cho biết: "Các chi bộ hiện nay phần lớn đảng viên là người địa phương, tất cả đảng viên được điều động, luân chuyển đã rút về. Các chi bộ đã có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, bảo đảm sinh hoạt theo định kỳ và ban hành các nghị quyết sát thực tiễn của địa phương".

Trước năm 2010, tỉnh Ðiện Biên có tới 134 thôn, bản chưa có đảng viên, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng sâu, biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông. Tại đây, các đối tượng xấu thường lợi dụng sự cả tin của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; kích động người dân gây chia rẽ nội bộ. Ban Chấp hành Ðảng bộ các huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ thành lập Ban Chỉ đạo, phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách, theo dõi, chỉ đạo từng địa bàn, phát hiện quần chúng tích cực trong các phong trào, mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng cho quần chúng ưu tú ngay tại cơ sở, để tạo nguồn kết nạp đảng viên. Huyện ủy Mường Nhé ban hành cơ chế "đặc thù", hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và một phần sinh hoạt phí cho quần chúng khi tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, bồi dưỡng đảng viên mới. Chỉ sau hơn ba năm, Ðiện Biên đã tăng thêm 192 thôn, bản có tổ chức đảng (hiện chỉ còn tám thôn, bản chưa có đảng viên), giảm 91,57% số thôn, bản chưa có đảng viên so với đầu năm 2016. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị tại vùng sâu, vùng biên giới ngày càng ổn định.

Sáp nhập các thôn, bản chưa đạt chuẩn, ít dân cũng góp phần khắc phục tình trạng sinh hoạt ghép ở các xã vùng cao thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau 10 năm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, đến nay, Ðảng bộ tỉnh không còn thôn "trắng" đảng viên; số chi bộ sinh hoạt ghép giảm từ 210 xuống còn 53 chi bộ. Tỉnh Yên Bái mới đây đã sắp xếp, giảm 985 thôn, bản, tổ dân phố, 13.027 cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản. Số đảng viên trong mỗi chi bộ đông lên, các chức danh chủ chốt ở cơ sở được lựa chọn kỹ, bảo đảm cơ cấu, chất lượng, chấm dứt hiện tượng "cả họ làm quan".

Cán bộ và trí thức trẻ xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân phát hiện sâu bệnh hại ngô. Ảnh: TUẤN SƠN

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

Thực tế sinh hoạt chi bộ ở những địa bàn khó khăn cho thấy, năng lực và trình độ nhận thức của một số cấp ủy và bí thư chi bộ còn hạn chế; chưa khơi dậy khả năng, trí tuệ của đảng viên trong việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên còn hạn chế. Do đó, rất cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSÐ tại địa phương.

Ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Bắc Kạn, thời gian đầu sau khi củng cố chi bộ thôn, bản, Ðảng ủy xã cử đảng viên là cán bộ của xã về sinh hoạt chi bộ thôn, bản theo cách "cầm tay chỉ việc", giúp sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, ban hành nghị quyết gắn với các công việc cụ thể. Ngược lại, chi bộ cũng phát huy vai trò giám sát đối với đảng viên là cán bộ, công chức xã trong thực hiện nhiệm vụ. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) Hoàng Ngọc Tân cho biết, trước đây có tình trạng đảng viên khi sinh hoạt chi bộ chỉ được nghe một số nội dung thời sự, bàn bạc ra nghị quyết chung chung, chiếu lệ. Nay, sinh hoạt của các chi bộ rất bài bản, bàn từng việc cụ thể gắn với phát triển kinh tế ở địa phương, như: mở rộng chăn nuôi thủy sản, xây dựng các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi. Các chi bộ, đảng bộ phát huy tốt vai trò chỉ đạo, khơi dậy phong trào dân vận khéo ở các địa phương. Tại xã Kim Lư (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), Ðảng ủy xã làm tốt công tác dân vận, vận động người dân xây dựng đường nông thôn rất hiệu quả. Thông thường, các địa phương đều thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30% để làm đường giao thông nông thôn. Thế nhưng ở Kim Lư, nhờ Ðảng bộ, chi bộ làm tốt công tác dân vận, người dân tự nguyện đóng góp 70% kinh phí, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ 30%. Sau hơn sáu năm triển khai, xã Kim Lư có hơn 90 hộ dân hiến gần 5.000 m2 đất, giá trị hàng trăm triệu đồng để xây dựng công trình giao thông.

Huyện ủy Hòa An (tỉnh Cao Bằng) lại áp dụng mô hình sinh hoạt chi bộ mẫu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bí thư Chi bộ xóm Nà Lại (xã Hà Trì, huyện Hòa An) Nông Thanh Biến cho biết, tại buổi sinh hoạt chuyên đề, chi bộ đưa ra một đến hai nội dung cụ thể, yêu cầu tất cả các đảng viên phải tham gia ý kiến, đưa ra giải pháp thực hiện. Ðảng viên gương mẫu làm trước, rồi vận động nhân dân làm theo. Ðảng viên trong xóm tuyên truyền nhân dân phát triển trồng cây quýt hàng hóa, nuôi cá, nuôi hươu sao. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ các buổi sinh hoạt chi bộ mẫu ban đầu, đến nay, 148 chi bộ nông thôn trong huyện đã duy trì nền nếp sinh hoạt; chất lượng các chi bộ chuyển biến tích cực. Năm 2019, 130 chi bộ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ có 18 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ,

Với cách làm bài bản, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 47 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Kế hoạch số 61 về "Nâng cao chất lượng chi bộ thôn, bản giai đoạn 2017-2020". Trong đó tập trung chủ yếu vào việc đổi mới sinh hoạt chi bộ. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) Nguyễn Tiến Toán, trước đây, việc tổ chức sinh hoạt thường kỳ ở các chi bộ thôn chưa thật sự hiệu quả, bình quân chỉ gần 70% số đảng viên tham gia. Nội dung sinh hoạt còn dàn trải hoặc sơ sài, thiếu nội dung cụ thể, ít đảng viên phát biểu. Việc ra nghị quyết chưa cụ thể, chưa sát thực tế. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ còn lơi lỏng… Ðảng ủy xã Sơn Hải đã ban hành Nghị quyết số 08 về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" ở chi bộ thôn, tập trung vào hai giải pháp cơ bản, đó là: bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ thôn và duy trì nền nếp, thực hiện nghiêm túc quy trình và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.

Sau gần ba năm thực hiện nghị quyết, đã cơ bản khắc phục được một số hạn chế, chất lượng sinh hoạt ở chi bộ thôn có chuyển biến rõ rệt. Ý thức trách nhiệm của đảng viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nhiệm vụ được giao có sự chuyển biến rõ nét. Nội dung sinh hoạt của các chi bộ ở thôn thiết thực, cụ thể hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng và gắn với thực tiễn cơ sở, do đó lôi cuốn đảng viên tham gia ý kiến, không khí sôi nổi hơn. Chi bộ thôn Trung Lèng Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện biên giới Bát Xát có 10 đảng viên, là hạt nhân lãnh đạo 57 hộ, với gần 300 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Mông.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sùng A Chúng cho biết, chi ủy và chi bộ bàn bạc "hiến kế", xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đảng viên phụ trách, giúp đỡ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa nghèo. Chi bộ đột phá chọn giống mới, trồng cây, nuôi con đặc sản, mở đường giao thông… nhờ vậy đã đưa thu nhập người dân đạt 30 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm từ 80% xuống còn 10%. Năm 2018, thôn Trung Lèng Hồ được công nhận là thôn nông thôn mới.

Có thể nói, trong những năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, những giải pháp phù hợp thực tiễn, các tỉnh miền núi phía bắc đã đạt kết quả rõ nét trong công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng TCCSÐ ở địa bàn khó khăn. Nhờ đó, các TCCSÐ giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

(Còn nữa)