Giải pháp đột phá ở Tân Sơn

|

Nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Củng cố hạ tầng phục vụ sản xuất

Đến với Tân Sơn, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng núi non Tây Bắc, địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Nơi đây nổi tiếng với Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc và văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhiều loại hình dịch vụ phát triển rất nhanh ở khu vực trung tâm huyện và các xã Minh Đài, Thu Cúc. Các xóm, bản đặc biệt khó khăn trước đây giờ thấp thoáng nhà hai tầng, ba tầng xen kẽ nhà sàn truyền thống. Nổi lên giữa mầu xanh núi rừng là Cụm công nghiệp Tân Phú, có ba nhà máy mới đi vào hoạt động (hai của doanh nghiệp Hàn Quốc và một của Việt Nam). Các nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, tạo thành điểm nhấn công nghiệp trên vùng đất nông, lâm nghiệp.

Sự thay đổi nhanh chóng của huyện miền núi Tân Sơn bắt nguồn từ việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt theo Đề án 30a. 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt gần 4.000 tỷ đồng. Nhiều công trình quan trọng, cấp bách được đưa vào sử dụng và đầu tư mới. Các trục lộ chính kết nối huyện Tân Sơn với các địa phương khác được cải tạo, nâng cấp. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 65%, tăng 26% so với thời điểm năm 2015. Địa hình có nhiều đồi núi, sông, suối dẫn đến vào mùa mưa một số khu vực bị chia cắt, cô lập. Để khắc phục tình trạng này, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu vượt lũ tại một số “nút thắt” về giao thông, như cầu treo Bến Gạo (xã Văn Luông) đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019, cầu vượt lũ tại các xã Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Văn Luông chuẩn bị được đầu tư trong năm 2020. Hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm nâng cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất lúa, rau màu chủ động tưới tiêu đạt gần 70%. Một số dự án thủy điện đã và đang được đầu tư. Dự kiến trong năm 2020, điện lưới sẽ đến với các bản vùng cao còn lại, hoàn thành mục tiêu phủ điện toàn huyện.

Nhờ hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn cho giá trị kinh tế cao như cây chè, gỗ nguyên liệu giấy và gà nhiều cựa. Giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi héc-ta đất canh tác đạt 87,4 triệu đồng, tăng gần 20% so với năm 2015. Sản lượng chè búp tươi đạt 38 nghìn tấn, sản lượng gỗ khai thác đạt 120 nghìn m3/năm. Người dân trong huyện phát huy thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, nâng tổng đàn trâu, bò lên 23 nghìn con. Huyện đã có một xã đạt chuẩn nông thôn mới và hai xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Nhờ kết quả đó, Tân Sơn đã ra khỏi danh sách 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), sớm hơn hai năm so với đề án được phê duyệt.

Những giải pháp căn cơ

Trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Sơn chọn các giải pháp căn cơ nhằm sử dụng các nguồn lực sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất, ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực, công trình, dự án quan trọng, thiết yếu. Toàn hệ thống chính trị nỗ lực cao trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, để thực hiện hơn 90 công trình, dự án. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, tài sản để giải phóng mặt bằng. Trong công tác thu hút đầu tư, huyện chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp bằng cách công khai quy hoạch, giới thiệu địa điểm, giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện cũng hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng trên địa bàn.

Một giải pháp giúp Tân Sơn vượt qua khó khăn, là thực hiện tốt công tác cán bộ. Hơn 10 năm qua, Tỉnh ủy Phú Thọ đã điều động, luân chuyển nhiều cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản về công tác tại Tân Sơn. Với sức trẻ và khát vọng cống hiến, khẳng định mình, lớp cán bộ lãnh đạo trẻ truyền cảm hứng năng động cho đội ngũ cán bộ cơ sở, làm thay đổi cung cách làm việc trước đây. Mặc dù Tân Sơn có tới 83% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, song đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khảo sát tại xã Minh Đài cho thấy, hầu hết cán bộ, công chức của xã đều có trình độ đại học, hai người có trình độ thạc sĩ. Xã Minh Đài là điểm sáng của huyện trong phát triển kinh tế. Nhờ giá chè ổn định, 5 năm qua, diện tích trồng chè tăng từ 205 ha lên 398 ha, năng suất tăng từ tám tấn lên 13,5 tấn/ha. Đồng chí Nguyễn Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Minh Đài phấn khởi cho biết, toàn xã có hơn 300 hộ kinh doanh dịch vụ, xã không còn bản nghèo “135”, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng (năm 2015) lên 33,6 triệu đồng (năm 2019). Minh Đài là xã đầu tiên và cũng là xã duy nhất hiện nay của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù vậy, đến nay Tân Sơn vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh Phú Thọ. Kết cấu hạ tầng một số lĩnh vực còn yếu và thiếu đồng bộ. Một số khu vực, thôn bản vẫn bị cô lập, chia cắt khi mưa lũ hoặc sạt lở đất. Tỷ lệ kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa còn thấp trong khi suất đầu tư rất lớn. Điện phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt cho một số khu vực dân cư chưa bảo đảm. Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể chậm phát triển. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

Để tranh thủ thời cơ, tận dụng đà phát triển hiện nay, huyện Tân Sơn xác định cần tiếp tục đầu tư, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả cao cũng như phát triển du lịch. Theo đồng chí Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện, huyện đề ra nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025 là xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề và đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ, huyện quyết tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường tươi đẹp để thu hút khách du lịch. Đại hội đảng bộ các cấp là dịp để toàn Đảng bộ huyện nhìn lại những việc đã làm được cũng như rút ra bài học kinh nghiệm để tăng tốc trong giai đoạn tới.