Mở cửa nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh

|

Với tốc độ tiêm phủ vắc-xin nhanh, hiệu quả và kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam có cơ sở để tự tin nối lại các hoạt động văn hóa, du lịch đáp ứng đời sống tinh thần, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động đạt hiệu quả, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm chủ động kiểm soát rủi ro, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.

Theo khảo sát về nhu cầu, xu hướng khách du lịch thời Covid-19 trên lãnh thổ Việt Nam do Hội đồng Tư vấn Du lịch và Báo điện tử VnExpress thực hiện cuối năm 2021, có tới gần 90% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới. Trong đó, 53,7% muốn đi ngay trong giai đoạn từ tháng 12/2021 tới các tháng đầu năm 2022. Ðặc biệt, tiêu chí an toàn dịch bệnh là ưu tiên cao nhất khi lên kế hoạch du lịch với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch. Có thể thấy, nhu cầu được trải nghiệm du lịch an toàn của người dân trong nước hiện đang rất lớn. Ðiều này giải thích vì sao chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 29/1/2022 đến 6/2/2022), lượng khách du lịch nội địa đã đạt 6,1 triệu lượt, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng (theo thống kê của Tổng cục Du lịch). Sự sôi động trở lại của du lịch trong nước dịp đầu năm, đặc biệt ở những điểm đến như Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Ðồng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ðà Nẵng, Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai… cho thấy sự mạnh dạn, tự tin hơn của người dân khi tham gia các hoạt động du lịch. Ðối với du lịch quốc tế, tính đến ngày 7/2/2022, tổng số du khách nước ngoài đến Việt Nam theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin đã đạt gần 9.000 khách.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đề xuất này, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện Thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi. Cùng với việc xác định thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch, các hạn chế về tần suất khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ cũng đã được gỡ bỏ. Ðây chính là những dấu hiệu nhằm tạo đà phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng của du lịch trên cả thị trường nội địa và quốc tế, tập trung trước mắt giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa cao điểm du lịch hè sắp tới.

Bên cạnh du lịch, nhiều hoạt động văn hóa, giải trí cũng được tổ chức trở lại. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên cả nước đã mở cửa, hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái, thực hành tín ngưỡng đầu xuân của người dân.

Từ ngày 10-2, Hà Nội cho phép các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật được hoạt động trở lại. Những động thái này cho thấy quyết tâm của các cấp, ban, ngành trong việc nỗ lực khôi phục lại hoạt động văn hóa, du lịch trong tình hình mới; đồng thời cũng mang đến động lực, tinh thần hào hứng cho người dân trong dịp đầu năm.

Thực tế, việc khôi phục các hoạt động sinh hoạt bình thường trở lại lúc này là đúng thời điểm và vô cùng cần thiết nhằm nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron và số ca mắc tăng cao trên cả nước thì quyết tâm mở cửa an toàn còn cần sự thống nhất trong nhận thức, sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh để bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh. Thực tế, chỉ sau mấy ngày Tết, hoạt động giao lưu, thăm nom, đoàn viên, chúc Tết… đã khiến số F0 trên cả nước tăng ở mức kỷ lục. Báo cáo về tình hình hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định có một lượng lớn du khách tổ chức đi theo phương thức tự túc, không đặt trước nên dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, thiếu phòng nghỉ tại một số điểm đến. Hình ảnh hàng nghìn khách du xuân chen chúc, đổ dồn đến một số điểm du lịch được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội trong dịp nghỉ Tết đã làm nhiều người không khỏi lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh. Thậm chí, vì cơ sở lưu trú không còn phòng, có gia đình, nhóm khách phải trải cả khăn, bạt, ni-lông ngay nơi công cộng để ngủ, nghỉ vạ vật, nhiều người bức bối cởi bỏ cả khẩu trang. Lượng du khách quá tải trong một thời điểm đã khiến một số nơi bị động, lúng túng trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cũng như phương án ứng phó. Thời gian tới, nhu cầu du lịch được xác định như "lò xo bị nén" sẽ bật mạnh, bùng nổ, nên không ai có thể bảo đảm chắc chắn cảnh tượng quá tải tương tự không tiếp diễn. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), sau khi xảy ra tình trạng hàng nghìn khách thập phương chen chúc cúng lễ không bảo đảm quy định phòng, chống dịch, địa phương quản lý di tích đã buộc phải đóng cửa cho đến khi có phương án đón khách an toàn. Tại các rạp chiếu phim trong những ngày đầu mở cửa trở lại cũng cho thấy, dù rạp đã thực hiện tỷ lệ công suất ghế trong phòng chiếu dưới 50% để bảo đảm giãn cách, song ở khu vực chờ của một số rạp vẫn có lượng khách đợi xem đông đúc, ngồi co cụm, chuyện trò rôm rả… Ðây là thực tế phát sinh đòi hỏi cần được nhìn nhận nghiêm túc để rút kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó, giải quyết phù hợp.

Các chuyên gia theo dõi vấn đề nhận định, trong thời gian tới, khi du lịch mở cửa trở lại cùng với các hoạt động vui chơi, giải trí tập trung đông người, số F0 dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu không có những kịch bản để kiểm soát rủi ro sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt là tác động đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở bệnh nặng khi bị lây nhiễm như người già, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng. Vì thế, mở cửa lại các hoạt động nhưng không được chủ quan, thả lỏng, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh. Càng mở cửa, càng cần cẩn trọng hơn trong xây dựng giải pháp phòng, chống dịch. Trong bối cảnh nhiều danh thắng, di tích đã được phép đón khách trở lại đúng mùa lễ hội đầu năm, để không rơi vào tình trạng quá tải người đến tham quan, chiêm bái, mọi điểm đến cần phải có kế hoạch tổ chức, bố trí đủ lực lượng để phân luồng, phân làn giao thông, tính toán cụ thể về sức chứa để kiểm soát chặt chẽ "đầu vào", "đầu ra", bảo đảm giãn cách mùa dịch; đồng thời có chế tài cần thiết khi du khách không thực hiện nghiêm Thông điệp 5K; sẵn sàng đóng cửa dừng đón khách nếu không bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch. Tại các rạp chiếu phim, địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, bên cạnh việc bảo đảm số lượng người theo dõi biểu diễn không vượt quá quy định, còn cần có phương án đáp ứng yêu cầu giãn cách, vệ sinh ở những khu vực chung quanh như khu vực chờ, khu vực cung cấp các dịch vụ liên quan như ẩm thực, giải trí. Sắp tới, khi du lịch quốc tế được khôi phục trên tinh thần áp dụng chính sách thị thực thông thoáng, lượng người đến các tụ điểm du lịch, văn hóa ở Việt Nam tăng lên, càng phải có tính toán kỹ lưỡng nhằm đáp ứng vấn đề phát sinh. Ðể bảo đảm trải nghiệm cho du khách, theo phương án mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, du khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ không phải đăng ký theo tua, tuyến du lịch trọn gói như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về chứng nhận an toàn Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Ðiều này có nghĩa là để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho du khách, hạn chế nguy cơ lây lan dịch từ hoạt động du lịch, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh, quy trình đón khách sau nhập cảnh càng cần được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm ngặt, trong đó, vai trò kiểm soát an toàn của đơn vị quản lý điểm đến và cơ sở lưu trú buộc phải được nâng cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi mở cửa trở lại các hoạt động, giải pháp quan trọng là cần ứng dụng triệt để thế mạnh của công nghệ. Việc công bố, áp dụng thống nhất một ứng dụng quản lý an toàn dịch bệnh có tích hợp các thông tin cần thiết dành cho du khách và người dân không chỉ giúp kiểm soát nguy cơ mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng, giảm tiện thủ tục khai báo phiền hà, mất thời gian. Ðặc biệt, khi nước ta đồng lòng chuyển từ chiến lược Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch thì vai trò quyết định thuộc về người dân. Mỗi người cần tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, thay đổi các thói quen để tìm cách cân bằng, thích nghi với điều kiện hiện nay. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, vẫn cần cân nhắc, tự hạn chế đến những nơi đông người. Khi thấy mình có nguy cơ là F0, cần nhanh chóng thông báo, thực hiện biện pháp tránh lây lan cho gia đình và những người chung quanh. Nâng cao ý thức phòng, chống dịch cũng là cách để mỗi người xây dựng lá chắn phòng, chống dịch và tăng cường sự tự tin cho chính mình khi quay trở lại với các hoạt động trên mọi lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới ■

HẠNH DUYÊN