Vai trò cấp ủy và người đứng đầu
Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở Ðảng bộ Thái Nguyên có lúc chưa hiệu quả, thiếu sức lan tỏa, nhiều nơi còn hình thức. Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy thiếu quyết liệt. Trách nhiệm của một số bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện ở cơ sở còn bất cập; việc xây dựng kế hoạch làm theo Bác còn chung chung, giải pháp thiếu đồng bộ, chưa sát với nhiệm vụ cá nhân, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị và địa phương.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, tập trung giải pháp thực hiện Chỉ thị 05, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong toàn Ðảng bộ. Theo đó, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh bằng những nội dung công việc gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được đưa vào sinh hoạt chi bộ định kỳ. Kết quả thực hiện là tiêu chí, căn cứ đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm. Cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai việc đăng ký làm theo Bác, tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ về đổi mới phong cách, tác phong công tác; chống bệnh thành tích, hình thức, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thành ủy Sông Công, các huyện ủy: Phú Lương, Ðại Từ và Võ Nhai xác định nhiệm vụ, nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có "tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; gần dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; trách nhiệm cao, quyết liệt trong công việc, nói đi đôi với làm". Bí thư Thị ủy Phổ Yên Lê Thanh Tuyết cho biết, Thị ủy yêu cầu các cấp ủy quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các nội dung cụ thể, đây là khâu đột phá trong thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản của thị xã là xây dựng nông thôn mới để trở thành đô thị loại III trước năm 2020.
Các chi bộ, đảng bộ thuộc Ðảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh chỉ đạo cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm "Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện". Ðảng bộ Khối các cơ quan tỉnh gương mẫu thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, quy định về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện nghiêm chỉ thị của Trung ương Ðoàn, xây dựng hình ảnh cán bộ đoàn trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sâu sát cơ sở, tạo chuyển biến rõ rệt về lề lối, tác phong cán bộ đoàn.
Sự thuyết phục từ nêu gương
Việc xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu tiên phong, gương mẫu được các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Trước hết, đó là tác phong gần dân, sát cơ sở, hiểu và vì dân hành động. Ðồng thời, chống bệnh thành tích, hình thức, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trước hết ở người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bí thư Huyện ủy Phú Lương Bùi Thanh Hải cho biết, Huyện ủy chỉ đạo sinh hoạt điểm chuyên đề "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Chi bộ Trường THPT Phú Lương, sau đó triển khai trong toàn huyện.
Tỉnh ủy chỉ đạo, có cơ chế giám sát người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc tiếp công dân, xử lý vấn đề gây bức xúc trong nhân dân..., nhất là ở những địa phương tiềm ẩn tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp. Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại với người dân tại thị xã Phổ Yên, huyện Ðại Từ để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; đối thoại trực tiếp với người dân huyện Phú Bình để lắng nghe, giải quyết một số vấn đề bức xúc và được quan tâm nhất tại địa phương...
Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với công dân liên quan đến 21 vụ việc.
Hai năm qua, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh tổ chức bốn hội nghị; cấp huyện tổ chức ba hội nghị và cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 247 hội nghị đối thoại với nhân dân. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Tuấn cho biết, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị lập đường dây nóng thông qua số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ để người dân phản ánh thông tin kịp thời. Từ đó, nhiều vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, những điểm nghẽn trong triển khai chủ trương, chính sách tại cơ sở đã được lãnh đạo, các cơ quan chức năng của tỉnh nắm bắt, có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Với những giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; gắn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, việc thực hiện nhiệm vụ trong toàn Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn suy thoái, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được phát huy. Sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng được tăng cường, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh trong toàn tỉnh.