Cải thiện chất lượng sinh hoạt chi đoàn

|

Được ví như những tế bào của phong trào thanh niên, nhưng thời gian gần đây, chi đoàn nhiều địa phương đã bộc lộ yếu kém, không ít nơi xảy ra tình trạng “chi đoàn trắng”. Những hạn chế đó đòi hỏi các cấp bộ đoàn cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn ở cấp chi đoàn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chi đoàn không chỉ là nền tảng đoàn kết, tập hợp, giáo dục, rèn luyện và đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên, mà còn là nơi tổ chức, triển khai thực hiện mọi chủ trương công tác của đoàn. Đóng vai trò cầu nối giữa thanh niên với tổ chức đoàn, nhưng hiện nay công tác chi đoàn và sinh hoạt chi đoàn ở nhiều địa phương đang có những dấu hiệu tụt hậu. Đáng nói là, ở các khu vực nông thôn, đô thị, sự biến động về đoàn viên và cả cán bộ đoàn diễn ra ngày càng phổ biến, dẫn đến những bất cập trong sinh hoạt, hoạt động chi đoàn.

Thực tế, không ít cán bộ đoàn vẫn còn hiểu sai về khái niệm sinh hoạt, tổ chức sinh hoạt chi đoàn. Không những nội dung sinh hoạt đơn điệu, việc tổ chức sinh hoạt chưa bảo đảm, có những bí thư chi đoàn coi sinh hoạt định kỳ là buổi quán triệt kế hoạch công tác, biểu diễn văn nghệ, hoạt động tình nguyện và thậm chí mặc nhiên nghĩ rằng, trao đổi thông tin giữa đoàn viên qua điện thoại, mạng xã hội cũng là sinh hoạt chi đoàn... Đây là hệ quả tất yếu từ thực trạng nhiều cán bộ cấp chi đoàn còn yếu về năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ, thiếu sâu sát với đoàn viên, chưa nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu... dẫn đến việc chưa thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh thanh niên, gây khó khăn trong công tác đoàn kết, tập hợp và bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên, thanh niên. Từ góc nhìn của đoàn viên, có thể dễ dàng nhận thấy sự “lệch pha” đáng báo động trong mối liên kết cán bộ - đoàn viên chi đoàn. Việc luân chuyển, thay đổi cán bộ cấp chi đoàn diễn ra thường xuyên, khiến đoàn viên đôi khi còn chưa kịp “quen mặt” cán bộ cũ lại đã phải nhanh chóng làm quen bí thư, phó bí thư mới. Bên cạnh đó, những buổi sinh hoạt mang nặng tính hình thức theo kiểu “họp đoàn” khô cứng, ít đổi mới, thiếu tính lan tỏa cũng nhanh chóng gây chán nản.

Tại tỉnh Ninh Bình, trong tổng số 1.910 chi đoàn trên địa bàn dân cư, thì chỉ có 1.134 cơ sở duy trì được các hoạt động và tổ chức sinh hoạt chi đoàn thường xuyên (chiếm chưa tới 60%). Đáng lo ngại hơn, có tới 64 chi đoàn chỉ có bộ khung với bí thư và phó bí thư hoặc một số chi đoàn có hơn 20 đoàn viên nhưng lại chỉ có ba đến bốn đoàn viên tham gia hoạt động, dù đã tính cả bí thư và phó bí thư. “Với những tồn tại, hạn chế đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, phong phú về chủ điểm sinh hoạt chi đoàn hằng tháng. Nội dung sinh hoạt chi đoàn được thay đổi thường xuyên, chú trọng lồng ghép những vấn đề mà đoàn viên, thanh niên quan tâm. Đồng thời, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các chi đoàn, cán bộ chi đoàn tiêu biểu gắn với những đợt hoạt động lớn của thanh niên cả nước như Tháng thanh niên, Mùa hè tình nguyện..., tăng cường tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chi đoàn, nhất là những cán bộ năng nổ, tâm huyết với phong trào”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Ninh Bình Trần Văn Bách chia sẻ.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chi đoàn, nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn đã đưa ra các tiêu chí để tạo mục tiêu phấn đấu cụ thể ở cấp chi đoàn. Tiêu biểu như các mô hình chi đoàn văn minh, chi đoàn văn hóa kiểu mẫu, chi đoàn mạnh... của Thành đoàn Hải Phòng. Để được công nhận các danh hiệu nêu trên, ngay từ đầu năm, mỗi chi đoàn phải đăng ký thực hiện các công trình, hoạt động cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng duy trì sinh hoạt định kỳ và báo cáo với đoàn thanh niên cấp trên. Thành phố hoa phượng đỏ tự hào với mô hình “Chi đoàn 3 có” tại Quận đoàn Hồng Bàng, gồm các tiêu chí: có tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ hằng tháng, có sổ chi đoàn và có sổ đoàn viên. Trưởng Ban Tổ chức Thành đoàn Hải Phòng Phạm Thị Bình cho biết, qua thực tế triển khai, các phong trào tại hệ thống chi đoàn ở quận Hồng Bàng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đoàn viên các chi đoàn hăng hái thi đua, xung kích, phát huy sáng kiến, xây dựng các khu dân cư văn minh, sạch đẹp, tham gia thường xuyên các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, thực hiện nhiều công trình thanh niên có ý nghĩa thiết thực.

Chi đoàn là tế bào cơ bản trong sự tồn tại và phát triển của tổ chức đoàn thanh niên. Trong giai đoạn hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, kèm theo những nhu cầu ngày càng cao trong đoàn viên, đòi hỏi những đổi mới quyết liệt trong hệ thống chi đoàn. Chỉ khi đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, chi đoàn mới thật sự hoạt động hiệu quả, trở thành “mái nhà” chung, góp phần giáo dục và rèn luyện tuổi trẻ, tạo tiền đề để phong trào thanh niên cả nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, hoạt động chi đoàn cần được các cấp bộ đoàn quan tâm, sát sao hơn nữa, tuyệt đối tránh tình trạng hoành tráng phần “ngọn” nhưng nghèo nàn phần “gốc” đáng lo ngại ở một số nơi như hiện nay.