“Tự do internet lột mặt nạ đấu tranh chống cộng cuội”

|

Đã thành thông lệ, nhiều năm qua, hễ cứ đến dịp 30-4 là một số tổ chức, cá nhân chống cộng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài lại tổ chức một số hoạt động xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, đồng thời xuyên tạc các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đang được khẳng định ở Việt Nam như để tự an ủi cho cái mơ ước hão huyền là dựng lại “thây ma VNCH”.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, vừa qua trên trang Trực Diện Tivi, ông Minh Giang, một người Mỹ gốc Việt, đã công bố clip có nhan đề “Tự do internet lột mặt nạ đấu tranh chống cộng cuội”. Và dưới đây là bản lược ghi các ý kiến đó. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Bây giờ đang là thời gian mà một số người Việt Nam tị nạn ở nước ngoài, cụ thể như ở Mỹ, nhân danh tổ chức, đảng phái, hội đoàn hoạt động hòng đấu tranh lật đổ cộng sản Việt Nam hay đấu tranh chống cộng sản theo nghĩa cực đoan, hoặc các hội đoàn “đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam” tổ chức nhiều sự kiện như buổi tưởng niệm, thắp nến, diễu hành, ca nhạc... Năm nay những việc như vậy không thực hiện được vì dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn chưa chấm dứt. Nhưng những hội thảo, bàn luận trên truyền hình, trên ra-đi-ô vẫn diễn ra, và họ lại bàn về các kế hoạch rồi chỉ trích, chế giễu các chính sách ở Việt Nam. Thực ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi bốn mươi mấy năm nay cách đấu tranh chống cộng của nhóm người Việt tị nạn tại Mỹ vẫn cứ kéo dài như thế. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người nói rằng đấu tranh kiểu này đã lỗi thời. Vì bây giờ Việt Nam đã có quan hệ với Mỹ, làm ăn với nhiều nước trên thế giới. Và Việt Nam cũng thay đổi rất nhiều, các tiêu chí về dân chủ, nhân quyền quy định trong Hiến pháp Việt Nam đang được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhiều người khác nói rằng, Việt Nam đã thay đổi, đất nước phát triển và quan trọng nhất là người dân hài lòng, nên việc gì phải chống phá theo kiểu lật đổ. Mà lật đổ cái gì? Lật đổ sao được khi mà dùng bạo lực hay sử dụng bất cứ thứ gì thì cũng chỉ làm thiệt hại cho mình, hoặc rủ rê, xúi giục người khác thì cũng chỉ làm hại cho họ mà thôi.

Nổi lên trong rất nhiều chỉ trích của những người nói trên đối với chính quyền Việt Nam suốt mấy chục năm qua là các vấn đề tự do, một trong số đó là tự do ngôn luận. Từ trước đến giờ, nhiều người nói Việt Nam bóp nghẹt thông tin, như Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, thậm chí trong các cuộc hội thảo, đối thoại về nhân quyền cũng hay đề cập đến tự do in-tơ-nét ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng... Và Việt Nam luôn phản bác những điều này. Cụ thể là dân số Việt Nam hơn 90 triệu người thì có tới trên 60 triệu người có tài khoản mạng xã hội, thông tin liên lạc thoải mái, không bị cấm đoán. Ở Việt Nam có khoảng 900 cơ quan báo chí, hàng chục nghìn phóng viên. Trước kia, người ta nói rằng Việt Nam bưng bít thông tin, đất nước khá khép kín, nhưng tại thời điểm đó Việt Nam bị bao vây và cấm vận, rất ít thông tin về Việt Nam, người nước ngoài đến Việt Nam cũng rất ít. Năm 1995, Việt Nam đã mở cửa kinh tế với Mỹ và sau đó đón khách nước ngoài, có hàng loạt hoạt động giao thương với các nước. Thời điểm mới mở cửa, kinh tế Việt Nam rất khó khăn, nhiều người phải mưu sinh bên lề đường. Có người nói Việt Nam sợ đưa các hình ảnh đó ra nước ngoài, phản ánh rằng Việt Nam không dám mở cửa quá rộng, sẽ kiểm soát nghiêm ngặt, người có máy quay phim phải khai báo, thậm chí phải xin phép, kể cả băng vi-đê-ô, máy chụp hình cũng phải xin phép. Nhưng thực tế càng lúc Việt Nam càng thay đổi. Hiện ghi hình kỹ thuật số rất phát triển, từ điện thoại “cục gạch” đến giờ là điện thoại có chế độ chụp hình. Lúc đầu nhiều người nhận định Việt Nam sẽ cấm, không cho dùng điện thoại thông minh, vì sợ nhiều người sẽ chụp lung tung, những tiêu cực, mặt trái trong xã hội sẽ bị ghi hình, trong ngoài nước liên lạc với nhau thoải mái sẽ chuyển cho nhau. Đó là cách tuyên truyền ở bên này, và người ta nói “cộng sản chết chắc rồi”. Không cho sử dụng phương tiện là vi phạm nhân quyền, không dám tiếp cận thông tin, nếu cho phép thì “cộng sản chết chắc luôn” vì “cộng sản là giả dối, giấu thông tin, không dám nói sự thật”! Nhưng chúng ta thấy chính quyền Việt Nam không những không cấm mà còn cho dùng thoải mái, thậm chí một người dùng hai chiếc điện thoại. Ở Mỹ rất ít người sử dụng hai điện thoại, trong khi ở Việt Nam, từ 5-7 năm trước, nhiều người đã có hai chiếc điện thoại. Họ dùng để kết nối in-tơ-nét, và in-tơ-nét phủ khắp Việt Nam, cả vùng sâu, vùng xa.

Trước đây muốn tìm hiểu thông tin trong nước, thông tin nước ngoài, nhiều người thường tìm đến những đài Việt ngữ ở nước ngoài để nghe. Ở đó có bàn về các vấn đề của Việt Nam. Nhưng giờ có in-tơ-nét rồi thì ở trong nước sẽ hiểu hết những vấn đề sai trái, trong khi ở bên ngoài thì vẫn ra sức tuyên truyền và sử dụng làm vũ khí. Họ bàn thảo và nói rằng “cộng sản Việt Nam sụp đổ đến nơi”! Trong những cuộc hội thảo như vậy có nhiều vấn đề đặt ra, như hiện trạng đất nước Việt Nam, xu hướng hiện nay, tình hình của Mỹ và hành động của chúng ta,... họ nói đủ thứ chuyện. Họ đánh giá ở Việt Nam sẽ không có tự do ngôn luận, sẽ bóp nghẹt thông tin, sẽ ngăn chặn in-tơ-nét song cuối cùng chúng ta thấy Việt Nam đã làm ngược lại. Các tổ chức quốc tế xếp mức độ tự do in-tơ-nét của Việt Nam cùng hạng với Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a là các nước cùng trong khu vực. Từ điều này chúng ta thấy, nếu muốn chỉ trích thì cần phải dựa trên nhiều cơ sở. Ở Việt Nam việc công khai thông tin càng lúc càng rộng rãi hơn. Người Việt tại Mỹ có thể gọi điện hàng ngày về cho bà con ở Việt Nam qua Zalo, Viber... Thông tin qua lại giữa hai bên mọi người đều biết. Tương tự như vậy, các vấn đề thời sự trên thế giới như thế nào thì ở Việt Nam đều biết. Trước đây người ta nói Việt Nam sàng lọc thông tin, làm những tường lửa, ngăn chặn rất nhiều; thậm chí về kiểm duyệt thông tin, họ nói Việt Nam có 800 đến 900 tờ báo nhưng “chỉ có một tổng biên tập” và phải nói một tiếng nói chung. Sau này chúng ta thấy không phải như vậy. Rất nhiều cuộc biểu tình, đảo chính, tấn công ở Trung Đông, Xy-ri, Miến Điện,... đều đã được báo chí Việt Nam đăng tải, dịch đăng nguyên văn các bài viết trên báo chí nước ngoài. Việc trong nước mở cửa thông tin như vậy càng giúp ích cho họ hơn, cho thấy càng mở cửa càng bền vững. Điều này nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng sự thật là như vậy. Trình độ nhận thức của người dân Việt Nam giờ rất khác, không giống như những người đấu tranh ở bên này. Họ nghe nhiều, biết nhiều và biết nhìn nhận bản chất vấn đề của các sự việc diễn ra trên thế giới.

Khi có thông tin nhiều chiều, người Việt Nam ở trong nước thậm chí còn cảm thấy bị hụt hẫng với mấy người chống cộng bên Mỹ. Bởi trước kia liên lạc chỉ qua thư từ, người ở trong nước không biết bên Mỹ như thế nào, họ thấy mấy ông Việt Nam ở bên đó ghê quá, lập ra những hội đoàn chống cộng này nọ, nào là có mấy sư đoàn, nào là các ông tướng, ông tá nghe dễ sợ. Trước kia chỉ nghe qua mấy cái đài phát thanh Việt ngữ phát theo kiểu đánh bóng, tâng bốc lẫn nhau. Giờ phủ sóng in-tơ-nét, thông tin thoải mái, người ta mới thấy những cuộc phỏng vấn, hội thảo, các cuộc họp của tổ chức chống cộng này kia mà thành viên chửi nhau, đánh nhau, cãi nhau như mổ bò. Chính những điều đó tạo ra những hình ảnh nhếch nhác, cảm giác hết sức ê chề, buộc phải đặt ra câu hỏi: Những người chống cộng mấy chục năm vừa qua làm được gì? Nghe nói tổ chức, hội đồng dữ dằn lắm, nhưng trụ sở có không, nhân sự bao nhiêu người? Thậm chí có người trong tổ chức cãi nhau, rồi đem nhau ra tòa, cãi nhau không được thì giành quyền với nhau, tiến công cá nhân thay vì tranh luận về quan điểm. Hồi chưa có YouTube, nghe phát biểu thấy dữ dằn quá, chủ tịch đảng này đảng kia tưởng sâu sắc lắm, giờ có YouTube, người ta mới thấy sao lại nói lung tung xà ngầu, nhận thức rối loạn, thậm chí khi chỉ trích Việt Nam thì không biết gì, nói lung tung hết! Ở Mỹ, việc chửi nhau, tấn công cá nhân theo luật pháp là sai, nhưng chẳng lẽ thưa kiện suốt ngày? Thưa kiện người có máu mặt, có tài sản có khi còn được bồi thường, nhưng thưa kiện mấy người thất nghiệp, không có gì hết thì thưa kiện họ để làm cái gì? Những kẻ điên khùng làm sao mình kiện được? Cuối cùng, người ta không kiện bởi không muốn dính vào mấy việc đó, coi như không quan tâm. Còn ở Việt Nam, nếu làm những việc đó sẽ bị xử lý thích đáng, vì luật pháp Việt Nam quy định rất rõ, song đến bây giờ nhiều người vẫn không hiểu luật pháp Việt Nam. Tranh cãi nhau về quan điểm, họ nghĩ họ có quyền tự do nên bắt đầu công kích cá nhân, thóa mạ, vu khống, làm nhục nhau, xâm phạm quyền lợi của người khác rất thô bạo. Ở Việt Nam, thưa kiện những việc như vậy trước tòa sẽ được xử lý, như thời gian vừa qua, việc lợi dụng Facebook để xúc phạm nhau đã bị xử lý. Điều này đã cho thấy sự cần thiết phải có cách chữa trị bằng hệ thống luật pháp.

Chúng ta thấy những tuyên truyền về quan điểm hay tiêu chí nọ kia ở Mỹ hay tại nước này nước khác để dạy dỗ người dân Việt Nam phải thế này thế kia là những điều không tương ứng. Việt Nam siết chặt như vậy là đúng, vì nếu không kiểm soát, các thông tin giả dối, xuyên tạc, dựng chuyện,… sẽ làm loạn ngay lập tức. Ngay tại Mỹ cũng có những trang dựng chuyện rất nhiều, những tờ báo lá cải, những chương trình rất tồi tệ, muối mặt làm đủ mọi thứ chuyện để câu view (lượt xem), bán báo. Tự do ở Mỹ là tự do mà nhiều nước không mong muốn, trong khi đó họ lại cứ áp đặt Việt Nam phải thế này thế kia thì mới đúng. Họ yêu cầu Việt Nam phải cho người ta dựng chuyện, tha hồ bôi xấu, chửi bới nhau mà không được bắt bớ vì đó là vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do ngôn luận! Điều đó có đúng hay không? Và qua đây chúng ta thấy ở Việt Nam, quá trình dân chủ, nhân sinh, nhu cầu hạnh phúc của người dân càng lúc càng thăng tiến hơn so với trước kia, càng lúc càng đầy đủ hơn. Đó mới là điều đáng mừng. Cần phải hiểu rằng dân chủ không phải như thức ăn, như vật chất hễ đặt xuống là người nào cũng có món ăn ngon, mà cần phải có sự “chế biến”, và càng lúc người ta càng có những đòi hỏi cao hơn, thăng tiến hơn, phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.