Đến nay những ồn ào liên quan câu chuyện hư cấu về “bác sĩ Khoa” rút máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai đã phần nào tạm lắng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, góc khuất phía sau câu chuyện này vẫn tiếp tục dấy lên những thắc mắc cần sớm được làm rõ. Theo các cơ quan chức năng, nhiều bằng chứng cho thấy đằng sau chuyện bịa đặt này có bàn tay dàn dựng của một số người. Hay việc thông qua cách thức lập ra các tài khoản giả mạo, dựng lên nhóm từ thiện có danh xưng là “nhà 82”, các đối tượng tạo ra những câu chuyện thương tâm, lấy nước mắt của cộng đồng như: người mẹ già ở Hà Tĩnh mất người con trai 19 tuổi khi đi biển và phải một mình chăm chồng đang bị ung thư trong bệnh viện, cậu bé 4 tuổi bị ung thư cần tiền để bay về Việt Nam, hoàn cảnh thương tâm của những bệnh nhi bị ung thư máu,... từ đó kêu gọi những tấm lòng hảo tâm và đã quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Câu chuyện nhóm từ thiện “nhà 82” và sự thật “bác sĩ Trần Khoa” sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự việc ồn ào này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gia tăng các hành vi lợi dụng dịch bệnh, tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn của người dân để lừa đảo, trục lợi từ hoạt động từ thiện, nhất là trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, đối tượng Trần Văn Lâm (23 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lập ra Fanpage “Hỗ trợ trẻ em”, trên đó đăng hàng trăm bài viết kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Không dừng ở đó, Lâm còn lập thêm hàng loạt Fanpage như: “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”,... nhằm hỗ trợ hoạt động lừa đảo. Xúc động trước những thân phận khốn khó, hàng nghìn người đã gửi tiền quyên góp giúp đỡ các bệnh nhi. Thành lập từ tháng 9/2020, vậy mà đến tháng 3/2021 ước tính đã có khoảng 6,6 tỷ đồng được gửi vào tài khoản của Lâm. Số tiền nhận được, Lâm dùng để chơi game và chi tiêu cá nhân. Cuối tháng 4/2021 Công an Hà Nam đã khởi tố, tạm giam Trần Văn Lâm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không chỉ lấy những câu chuyện người thực, việc thực trong xã hội làm “mồi nhử” rồi sau đó lẳng lặng đút túi, biển thủ để tiêu xài cá nhân, nhiều đối tượng còn tự biến mình thành nạn nhân để kêu gọi sự thương xót, trợ giúp của người khác. Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Lại Xuân Đạt (28 tuổi, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã tự nhận mình là công nhân làm việc thời vụ, do dịch bệnh bị công ty cho nghỉ việc, bị cách ly, không có tiền trang trải sinh hoạt, mong được cộng đồng cứu giúp. Mủi lòng trước hoàn cảnh đáng thương của Đạt, nhiều người đã gửi tiền vào tài khoản của Đạt. Ngày 23/5/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Lại Xuân Đạt để điều tra về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật trên mạng xã hội.
Đặc biệt, khi dịch bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phố phía nam, các hành vi lợi dụng dịch bệnh, núp bóng từ thiện để lừa đảo có chiều hướng gia tăng, với nhiều chiêu trò hết sức tinh vi. Nhận thấy nhiều người muốn về quê tránh dịch, một số đối tượng xấu lập tức đăng tải thông tin nhận tổ chức, đưa đón người có nhu cầu. Mỗi “suất” phải nộp số tiền “đặt chỗ” với mức giá 200.000 đồng. Để tạo lòng tin với mọi người, chúng giả danh là người của một số tổ chức, đoàn thể như Hội đồng hương, cán bộ Tỉnh đoàn, đại diện UBND tỉnh,... thực hiện nhiệm vụ “giải cứu” bà con về quê. Vì thế nhiều người đã tin và chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Cũng với chiêu trò mạo danh, có kẻ còn tự xưng là nhân viên y tế thuộc các tổ chức, cơ quan có uy tín như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủ động liên lạc với người dân để cung cấp thông tin, giúp làm thủ tục hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh, tư vấn cách phòng ngừa và điều trị Covid-19, kêu gọi quyên góp cho quỹ vắc-xin. Không ít người nhẹ dạ, cả tin đã vội vàng khai báo thông tin từ những đường link chứa mã độc được đối tượng gửi đến. Nhấp vào các liên kết này, máy tính sẽ bị chiếm quyền kiểm soát, thông tin cá nhân cũng bị kẻ lừa đảo sử dụng cho các mục đích đen tối.
Nguy hiểm hơn, lợi dụng sự lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và hoàn cảnh thiếu thốn của người dân trong vùng có dịch, một số đối tượng dựng lên các hoạt động mang mầu sắc thiện nguyện như: cung cấp lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế, cung cấp bộ test nhanh, tổ chức dịch vụ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19,... với chi phí thấp, nhưng thực chất là hành vi lừa đảo. Ngay khi nạn nhân cung cấp thông tin và chuyển tiền xong, chúng sẽ biến mất. Một số kẻ lừa đảo còn đến tận các vùng sâu, vùng xa, lừa người dân đưa giấy tờ tùy thân để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Chính phủ, tiền hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, sau đó sử dụng các giấy tờ này để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền, làm giả hồ sơ mua hàng trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngày 8/8 vừa qua, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ sáu nghi phạm lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân theo phương thức này.
Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, tổ chức thành hội, nhóm, phối hợp một cách bài bản, dựng lên các mối quan hệ chặt chẽ để che chắn cho nhau, sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng tạo sự tin cậy với cộng đồng. Thậm chí có đối tượng sẵn sàng đầu tư tiền chạy quảng cáo trên facebook và một số báo điện tử. Nhằm kịp thời cảnh báo người dân về các hành vi lừa đảo lợi dụng dịch bệnh ngày càng gia tăng, nhất là trên mạng xã hội, ngày 9/5 Bộ Công an đã phát thông tin đề nghị người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn tạo lập Fanpage kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, cả tin, dễ động lòng trước những hoàn cảnh thương tâm, nhiều người vẫn tiếp tục sa bẫy của kẻ lừa đảo.
Dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội, khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Bên cạnh các chính sách, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, việc phong trào thiện nguyện được lan tỏa rộng khắp trong xã hội là cách thiết thực và ý nghĩa để cộng đồng góp phần tương trợ, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn. Hiệu quả của hoạt động này đã được khẳng định trên thực tế, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, là biểu hiện sinh động cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người Việt dù ở trong nước hay ngoài nước. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời chú trọng tạo sự thống nhất, đồng bộ về mặt pháp lý trong hoạt động từ thiện, nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, lãng phí, gây mất đoàn kết, cũng như tình trạng lợi dụng cứu trợ để trục lợi...
Việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và sự hảo tâm, tinh thần sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi là không thể chấp nhận. Hành vi đó không chỉ vô nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, nguy cơ khiến lòng tin giữa người với người bị xói mòn, tình cảm giữa người được giúp đỡ, chưa được biết đến hoặc giúp đỡ kịp thời bị rạn nứt, tình người bị nhạt phai, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, gây rối loạn an ninh trật tự, mà còn vi phạm pháp luật, đòi hỏi phải bị xử lý nghiêm. Do đó bên cạnh việc lan tỏa, triển khai rộng rãi các quy định về mặt pháp lý nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện và phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động thiện nguyện, thì việc nhận diện và xử lý các hành vi lừa đảo gắn mác từ thiện cần thường xuyên được đẩy mạnh và thực hiện nghiêm minh. Các trường hợp lừa đảo, trục lợi từ thiện cần được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận diện, cảnh giác đồng thời tạo tính răn đe. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cộng đồng cũng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng, tỉnh táo trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Trước khi tham gia cần kiểm chứng thông tin liên quan hoạt động từ thiện, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc kiểm tra qua chính quyền địa phương hoặc các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng và chỉ nên tham gia, hợp tác với các tổ chức, cá nhân có uy tín. Phát hiện có dấu hiệu bất thường, người dân cần liên hệ cơ quan chức năng để xác minh, xử lý. Làm sạch môi trường từ thiện sẽ giúp chúng ta vững tin về những giá trị nhân văn, cao cả trong cuộc sống và góp phần để không ai bị bỏ lại phía sau ■