Lễ hội âm nhạc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

|

Tại nhiều quốc gia, lễ hội âm nhạc trở thành hoạt động thường niên, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Cũng từ đây xu hướng du lịch âm nhạc ngày càng thịnh hành tạo ra những lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

Ở nước ta thời gian qua nhiều lễ hội âm nhạc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên con đường xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc và phát huy hiệu quả từ hoạt động này trong đời sống vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Lễ hội âm nhạc (còn có tên gọi khác: liên hoan âm nhạc, đại nhạc hội...) là những sự kiện mang tính cộng đồng theo các nội dung, chủ đề khác nhau, diễn ra trong những không gian rộng lớn thu hút lượng khán giả đông đảo. Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây công chúng đã được tham gia vào một số lễ hội âm nhạc quy mô. Mới nhất phải kể tới liên hoan âm nhạc quốc tế Hò dô (HOZO) lần thứ 3 vừa kết thúc vào những ngày cuối năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh thu hút hơn 200 nghìn người tham gia, vượt quá mong đợi của Ban tổ chức.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng HOZO mới chỉ được tổ chức năm thứ 3, và tín hiệu đáng mừng là số lượng khán giả tham gia mỗi năm đều tăng. Ngoài các đêm diễn chính diễn ra vào cuối tháng 12, HOZO 2023 đã bắt đầu từ tháng 9 với nhiều chương trình đa dạng từ nhạc điện tử (EDM), nhạc Rock tới nhạc Rap, Jazz, Pop, nhạc truyền thống và nhạc đương đại...

Những đêm nhạc trong khuôn khổ liên hoan mang đến cho khán giả, nhất là giới trẻ nhiều cảm hứng, hứa hẹn trở thành một sự kiện văn hóa nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn tầm cỡ quốc tế gắn với thương hiệu TP Hồ Chí Minh. Ngoài HOZO, hiện tại Việt Nam có thêm hai sự kiện âm nhạc tổ chức thường niên tại Hà Nội là Monsoon Music Festival và Hay Glamping Music Festival (Hay fest). Trong đó, Monsoon diễn ra vào thời điểm tháng 10 hằng năm, Hay fest được tổ chức vào tháng 9. Năm 2023 Monsoon đón 80 nghìn người đến tham dự còn Hay fest đón 10 nghìn người.

Bên cạnh các liên hoan âm nhạc thường niên như đã kể trên, đời sống âm nhạc năm 2023 còn ghi dấu những sự kiện lớn như hai đêm diễn bùng nổ của nhóm nhạc lừng danh xứ sở kim chi Black Pink tại Sân vận động Mỹ Đình thu hút gần 68 nghìn khán giả, đêm diễn của nghệ sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Kenny G thu hút 40 nghìn khán giả tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, show “Tri âm” của ca sĩ Mỹ Tâm với hơn 30 nghìn khán giả, “Show của Đen” của Đen Vâu đón hơn 10 nghìn khán giả.

Live concert “Chân trời rực rỡ” của Hà Anh Tuấn với 10 nghìn khán giả tại Ninh Bình cũng khiến cho điểm du lịch này cháy phòng, cháy vé sau vài giờ mở bán... Những chương trình tổ chức tại các địa điểm rộng lớn và đón số lượng khán giả đông đảo như trên đều ít nhiều mang dáng dấp của lễ hội âm nhạc vì những ảnh hưởng đặc biệt trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần tích cực phát triển văn hóa và du lịch của địa phương cũng như quốc gia.

Nhìn ra thế giới có thể thấy các lễ hội âm nhạc lớn thường thu hút hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn, hàng nghìn tình nguyện viên phục vụ, hàng chục nghìn thậm chí hàng triệu khán giả tham dự gồm người dân bản địa và du khách. Như lễ hội âm nhạc Creamfields (Anh) hằng năm thu hút hơn 300 nghìn người hâm mộ trên khắp thế giới, lễ hội Rock in Rio (Brazil) thu hút hơn 700 nghìn du khách, lễ hội Donauinselfest (Áo) thu hút 3 triệu người.

Ngoài doanh thu bán vé khổng lồ từ lễ hội, các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn, đồ lưu niệm... đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Từ đây cho thấy lễ hội âm nhạc mang lại nhiều tác động tích cực cho cộng đồng, có thể làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế văn hóa của một thành phố, một địa phương.

Tại Việt Nam, ngành văn hóa cũng như một số tỉnh, thành phố đã nhận ra lợi ích to lớn từ các lễ hội âm nhạc và có ý thức xây dựng lễ hội âm nhạc gắn liền với thương hiệu của địa phương và quốc gia. Tiêu biểu như Hà Nội, sau năm lần tổ chức hiệu quả, Monsoon được xem là một trong những hoạt động chiến lược để triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ khi bắt đầu tổ chức Lễ hội âm nhạc Hò dô, Thành phố đã đầu tư mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng biến địa phương thành một “Thành phố âm nhạc” đúng nghĩa. Khi đã trở thành một thương hiệu văn hóa gắn với thành phố, lễ hội âm nhạc Hò dô sẽ tạo ra một khối lượng lớn việc làm cho người dân, thúc đẩy văn hóa cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.

Tuy nhiên, hành trình xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc, biến những sự kiện này trở thành các sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tầm ảnh hưởng lớn hiện còn không ít khó khăn. Bởi việc tổ chức một lễ hội âm nhạc đúng nghĩa cần nhiều điều kiện khắt khe. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để xây dựng một lễ hội âm nhạc gắn với một địa phương cần ít nhất 5 yếu tố chính gồm: sự hiện diện của các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, âm nhạc chất lượng, không gian và địa điểm tổ chức tốt, khán giả văn minh và một hệ thống dịch vụ liên quan tới âm nhạc thú vị, hấp dẫn.

Nhìn lại các lễ hội âm nhạc vừa qua được tổ chức tại một số địa phương có thể thấy thuận lợi lớn nhất của chúng ta là công chúng. Chúng ta có sẵn một lượng khán giả trẻ, cuồng nhiệt, nhiều năng lượng, khát khao, sẵn sàng học hỏi và hòa nhập với cái mới. Ngoài ra, chúng ta có đội ngũ nhà tổ chức sự kiện âm nhạc tâm huyết, có nghề, không ngại cống hiến vì mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, hướng tới một cộng đồng người yêu âm nhạc văn minh. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi.

Chúng ta mới tổ chức được vài ba lễ hội âm nhạc, con số quá ít so với tiềm năng phát triển công nghiệp âm nhạc và du lịch, vì thế kinh nghiệm còn khá hạn chế. Mặt khác các lễ hội âm nhạc hầu như mới chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi đó, các địa điểm du lịch hút khách như Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Ninh Bình,... cũng rất cần các sự kiện âm nhạc tầm cỡ để mời gọi du khách. Cùng với đó vấn đề xây dựng một hệ sinh thái các dịch vụ liên quan đến âm nhạc nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả và du khách tại các địa điểm diễn ra lễ hội cũng còn nhiều hạn chế.

Các chính sách đầu tư, quảng bá cho các sự kiện âm nhạc này còn không ít bất cập. Đơn cử, việc cấp phép biểu diễn quá sát ngày cho Lễ hội âm nhạc Monsoon 2023 vừa qua cũng khiến cho các đơn vị tổ chức gặp nhiều khó khăn. Hay show diễn “K-pop Festival Open Air #2” được nhiều khán giả Việt Nam chờ đợi trong các ngày 23-24/12/2023 vừa qua tại Mỹ Đình bị hủy bỏ.

Có thể thấy, để tổ chức một đại nhạc hội lớn cần rất nhiều điều kiện từ phía nhà tổ chức, địa phương nơi diễn ra sự kiện, nghệ sĩ và công chúng. Việc hủy bỏ chương trình ở phút chót sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho khán giả từ vé máy bay, đặt phòng khách sạn, các kế hoạch..., chưa kể còn tác động tiêu cực tới cảm xúc của người hâm mộ.

Một khó khăn nữa trong việc tổ chức các đại nhạc hội hiện nay là việc bán vé. Dù đã cải thiện nhiều nhưng thói quen mua vé để thưởng thức các chương trình âm nhạc lớn của nhiều khán giả vẫn là điều mà các nhà tổ chức nghi ngại. Nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập Monsoon bày tỏ sự băn khoăn “nền công nghiệp âm nhạc của ta chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ”.

Rõ ràng một lễ hội âm nhạc nếu phụ thuộc các nhãn hàng thì ít nhiều quy mô của nó vẫn được hiểu là sự kiện âm nhạc của các nhãn hàng. Trong khi đó, muốn phát triển thương hiệu một lễ hội âm nhạc tầm vóc, phải hoàn toàn tự chủ chuyện bán vé.

Âm nhạc là ngôn ngữ chung có thể kết nối mọi người một cách dễ dàng. Những sân khấu âm nhạc quy mô với sự xuất hiện của các nghệ sĩ thần tượng quốc tế có khả năng thu hút làn sóng tiêu dùng, mua sắm, sử dụng dịch vụ tại các thành phố lớn. Hiện nay, nhiều người đi du lịch đến các thành phố chỉ để được gặp gỡ thần tượng của mình qua các show diễn, các lễ hội âm nhạc.

Nếu nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu này, các địa phương có thể gặt hái kết quả không ngờ. Một thí dụ thuyết phục tại thị trường Hà Nội tháng 7/2023 vừa qua, đó là hai đêm diễn bùng nổ của nhóm nhạc Black Pink có doanh thu 333,4 tỷ đồng. Sở Du lịch Hà Nội ước tính, khách đến Thủ đô thời điểm này nội địa tăng 20% và quốc tế tăng 15%.

Đây là một con số ấn tượng chứng minh sức hút của những show diễn, những lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế. Tuy nhiên về tổng thể các lễ hội âm nhạc của ta chưa trở thành lý do để du khách đến Việt Nam nhiều hơn. Tuy kết quả trên thực tế chưa nhiều lạc quan nhưng từ đây cũng mở ra cơ hội để ngành công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, thông qua việc củng cố, xây dựng, tổ chức các lễ hội âm nhạc.

Như vậy, để xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc, gắn các lễ hội âm nhạc với câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như tăng khả năng kích cầu du lịch thì vấn đề quan trọng nhất là sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Theo đó, các chính sách của địa phương phải thiết thực, tạo điều kiện thu hút, đơn giản các thủ tục cấp phép biểu diễn, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn, hình thành một cộng đồng với gu âm nhạc chất lượng cao. Những yếu tố đó đặc biệt cần thiết để tạo ra một môi trường phù hợp cho công nghiệp âm nhạc phát triển. Ngoài ra, trong phát triển các ngành kinh tế của địa phương, cần một sự ưu tiên đặc biệt cho công việc sáng tạo, nhất là lĩnh vực âm nhạc, từ đó huy động các nguồn lực cần thiết góp phần phát triển công nghiệp văn hóa bền vững.