Vấn đề bản quyền trong số hóa thư viện

|

Sử dụng phần mềm thư viện số là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của thư viện từ thu thập, xử lý tài liệu đến công tác phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, công tác số hóa hoạt động của thư viện đang gặp những khó khăn về đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực, và đặc biệt là nguồn tài liệu điện tử. Trong đó vấn đề bản quyền nguồn tài liệu được số hóa rất cần được tháo gỡ.

Thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số. So với thư viện truyền thống, thư viện số thuận tiện hơn, nơi không chỉ cho bạn đọc tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các đầu sách, văn bản, tư liệu cần thiết.

Thư viện số cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị kết nối với internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện. Đẩy mạnh số hóa tài liệu là rất cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc trong thời đại 4.0, nhất là trong đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức khiến cho việc đến thư viện truyền thống tra cứu bị hạn chế.

Tuy nhiên, rào cản bản quyền trong số hóa tài liệu thư viện đang khiến cho một số thư viện rơi vào tình trạng khó triển khai công tác số hóa. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan nêu rõ: “Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số”. Với quy định này, các tài liệu được thư viện số hóa hiện cũng chỉ để bảo quản và tra cứu nội bộ là chính, chứ chưa được phép cung cấp rộng rãi đến bạn đọc trên nền tảng số.

Thực chất, để số hóa được các tài liệu, các đầu sách, báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, thư viện đã phải làm một loạt công việc liên quan bản quyền trước đó, như đàm phán với các cá nhân, tổ chức giữ bản quyền tư liệu. Vì thế, tiếc là hiện nay, khâu cuối cùng đưa tư liệu đến với người đọc lại bị vướng do phải bảo đảm các quy định về bản quyền. Chẳng hạn như Thư viện Quốc gia gần đây đã số hóa nhiều luận án tiến sĩ, tài liệu nghiên cứu, nhưng ngặt nỗi, do quy định về vấn đề bản quyền nên thông tin đầy đủ của các tài liệu số này lại không được cung cấp trực tuyến.

Thực trạng tương tự cũng xảy ra tại Cục Thông tin Khoa học Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ). Những khó khăn này khiến cho việc sử dụng thư viện số đối với người có nhu cầu vẫn chưa khả thi. Khi cần tra cứu, tìm hiểu thông tin, bạn đọc vẫn phải đến thư viện truyền thống thao tác, tìm kiếm là chính, chứ chưa thể trông chờ vào các phần mềm thư viện số.

Tôn trọng vấn đề bản quyền là đương nhiên và cần thiết. Có điều, thư viện là một thiết chế phục vụ cộng đồng, nếu không có một cơ chế đặc thù về vấn đề bản quyền trong số hóa tư liệu, thì sẽ rất khó để người đọc có thể tiếp cận tư liệu số hóa.

Như vậy có thể thấy, để việc số hóa thư viện được thuận lợi, rất cần một hành lang pháp lý phù hợp để triển khai. Theo đó, mục đích của số hóa tư liệu phải bảo đảm hài hòa quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả gắn với quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng. Giải pháp khả thi hiện nay là các thư viện cần nỗ lực trong đa dạng hóa nguồn tài liệu số để cung cấp đến bạn đọc bằng cách hợp tác, chia sẻ dữ liệu, hoặc thay vì mua bản cứng có thể mua bản mềm tài liệu sẽ dễ dàng hơn cho việc hình thành cơ sở dữ liệu số.