Nhịp sống bình thường mới đang trở lại

|

Mặc dù diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, khó đoán định nhưng năng lượng tích cực đã và đang trở lại với đời sống kinh tế-xã hội. 

Doanh nghiệp bắt nhịp với tốc độ sản xuất cao khi đơn hàng xuất khẩu nhiều nơi kín hết quý II. Người lao động quay lại các đô thị khi đã được bảo vệ bằng tiêm vaccine. Trên cả nước, các công trình giao thông trọng điểm đã thi công xuyên Tết để bù tiến độ cho những ngày gián đoạn vì dịch Covid-19. Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc trong khi vốn đầu tư tư nhân chảy mạnh vào nền kinh tế thông qua hoạt động thành lập doanh nghiệp mới và đưa các doanh nghiệp “ngủ đông” tái nhập thị trường,...

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo lạc quan sau hai năm liên tiếp tăng trưởng dưới mục tiêu do tác động của dịch. Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 công bố, đã ghi nhận các chỉ số chính của nền kinh tế tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên đán nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine đã vượt mức 73% dân số. Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương trở lại kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021; cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư mặc dù xuất khẩu giảm tốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân có sự khởi đầu vững chắc; tín dụng trong tháng 1/2022 tăng trưởng nhanh hơn,…

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra dự báo triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến đạt 6,7% và đạt mức 7% vào năm 2023, tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2022 sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings cũng có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam, khi đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023, nhờ thị trường trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch không thể chỉ trông vào một vài động lực tăng trưởng mà phải có chính sách tổng thể. Vì vậy, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực với nguồn lực tài chính gần 350 nghìn tỷ đồng bơm vào nền kinh tế. Đáng lưu ý, phần lớn nguồn lực và giải pháp thực hiện tập trung vào mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư công. Ngay những ngày đầu Xuân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thị sát một loạt công trình giao thông trọng điểm, khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo áp lực thực thi tới người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

Những “mảnh ghép” cuối cùng là hàng không, du lịch, giáo dục và các hoạt động vui chơi, giải trí cũng đang được khôi phục, cho thấy sự trở lại rõ nét của cuộc sống bình thường mới. Chỉ khi doanh nghiệp trở lại hoạt động, dân cư có thu nhập, các hoạt động tiêu dùng bình thường thì các giải pháp hỗ trợ giảm thuế VAT, cấp bù lãi suất,... mới thật sự có ý nghĩa. Các động lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế đang “chạy”, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Sự hồi phục và phát triển bứt phá năm 2022 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi cho cả chặng đường phát triển sắp tới của đất nước ■