Tạo sự bứt phá, lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo đổi mới giáo dục

|

Hôm nay (5-9), Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, các cơ sở giáo dục trên cả nước tưng bừng khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Đây là năm học cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề để toàn ngành Giáo dục thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn lại năm học 2019 - 2020 vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng, nhưng với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm chương trình, mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đây là năm học ghi dấu mốc quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì và đưa phổ cập giáo dục tiểu học, THCS lên mức cao hơn. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 18 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 

Năm học 2019 - 2020 cũng là năm tiền đề chuẩn bị đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào thực tiễn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành thẩm định, phê duyệt năm bộ sách giáo khoa lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021. Các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới được tích cực triển khai. Mặc dù xảy ra dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu nhưng học sinh Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia các kỳ thi quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Kết quả: đội tuyển quốc gia môn Hóa học đạt thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay, toàn bộ bốn thí sinh đoạt Huy chương vàng, xếp thứ hai thế giới. Đội tuyển Sinh học quốc tế có bốn em dự thi đều đoạt giải. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức đúng kế hoạch, đáp ứng được mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng được yêu cầu thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan. Giáo dục đại học đánh dấu bước “đột phá” trong quyết tâm thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Lần đầu tiên, ba cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; bảy trường đại học được vào danh sách đại học hàng đầu châu Á…

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước; sự chăm lo vun đắp  của toàn dân cùng sự nỗ lực, làm việc tận tụy, hết lòng của các cán bộ, giáo viên; sự hăng say học tập của học sinh, sinh viên, chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn những năm học vừa qua cũng đặt ra không ít thách thức cả trước mắt và lâu dài cho ngành Giáo dục. Đó là việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu. Việc biên soạn tài liệu, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển.

Vì vậy, toàn ngành Giáo dục cần dấy lên phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tạo sự bứt phá, lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo đổi mới giáo dục. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới; tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Ngành Giáo dục linh hoạt, chủ động, tích cực ngay từ những ngày đầu năm học; tập trung cao nhất cho nhiệm vụ trọng tâm đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai đối với lớp 1 và chuẩn bị các điều kiện triển khai ở các năm học, lớp học tiếp theo. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học sinh. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị; thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo... 

Chào đón năm học mới 2020 - 2021, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của học sinh, sinh viên, đẩy mạnh chăm lo sự nghiệp “trồng người”, xã hội học tập và xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp. Toàn ngành Giáo dục cần nỗ lực không ngừng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thành công và hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021: Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng”, vừa “chuyên”.