Chưa hợp lý quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp dệt may

|

NDO - NDĐT- Quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa hợp lý, khiến nhiều doanh nghiệp dệt may không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Từ tháng 3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Theo đó, người sử dụng lao động thuộc được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện như: không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

Nhưng trên thực tế, để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp dệt may đã cố gắng không để lao động phải nghỉ việc nên phải bố trí giãn việc, làm việc luân phiên. Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp sẽ không được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Đây là một trong những khó khăn về chính sách với ngành dệt may được nêu ra trong báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” được Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) công bố chiều ngày 29-6.

Bên cạnh đó, trong bối cạnh dịch bệnh Covid-19 ở nước ta, các doanh nghiệp dệt may còn gặp một số khó khăn khác về chính sách. Cụ thể như: Quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ; Khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng; Không được hưởng lợi nhiều từ chính sách giãn, miễn/giảm thuế; Người lao động chưa được hỗ trợ hiệu quả để thụ hưởng gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê (GSO) trong tháng 4 năm nay với 2.881 doanh nghiệp dệt may nhằm ứng phó với dịch Covid-19 cho thấy, doanh nghiệp của lĩnh vực này ưu tiên cắt giảm chi phí thường xuyên và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hơn là lựa chọn cắt giảm lao động. 47% số doanh nghiệp được khảo sát đã áp dụng nghỉ việc luân phiên hoặc giãn việc. 33,3% doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm lao động.

Báo cáo trên do Chương trình nghiên cứu chiến lược Mê Công - Trung Quốc (MCSS) của VNUA thực hiện ngay trong thời gian đại dịch Covid-19 đang diễn ra, mang lại kết quả sát thực và kịp thời.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình CMSS, cho biết, hiện nay, ngành dệt may tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, giải quyết 20% lao động ngành công nghiệp và gần 5% tổng số lao động cả nước. Năm 2019, ngành này có mức xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 và các thay đổi về chính sách đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi, tập trung đổi mới và nâng cao giá trị tăng thêm của các sản phẩm ngành.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện của AAV, chia sẻ, dệt may là một trong những ngành kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biến động kinh tế do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc cần thiết có một báo cáo nghiên cứu sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, tăng khả năng ứng phó trong tình hình diễn biến kinh tế đầy biến động, giúp đánh giá các chính sách ứng phó của Chính phủ. Các nghiên cứu này phù hợp với định hướng là những hoạt động nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và người lao động mà AAV đang theo đuổi.

Trong 25 năm hoạt động tại Việt Nam, AAV đã hỗ trợ trực tiếp hàng triệu lượt người trên khắp cả nước. Hoạt động hỗ trợ đặc biệt tập trung vào các nhóm phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người di cư, người bị thiệt thòi… từ quá trình phát triển.