Hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy ở tỉnh Thái Nguyên

|

Sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Thái Nguyên được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện còn có vướng mắc, bất cập, cần thống nhất chỉ đạo cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Tinh gọn bộ máy

Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành T.Ư ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của hai nghị quyết nêu trên đến các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để thống nhất nhận thức. Tiếp đó, ngày 29-1-2018, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Đề án số 09-ĐA/TU thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và ngày 9-3-2018 ban hành Kế hoạch số 79-KH/TU thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tổ chức thực hiện và đến nay đã đạt được kết quả quan trọng, bộ máy gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hóa Trung là xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, diện tích tự nhiên gần 1.200 ha, có gần 1.400 hộ, hơn 4.800 nhân khẩu, với sáu dân tộc cùng sinh sống; trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 48%, dân tộc Nùng chiếm 28%, dân tộc Sán Dìu chiếm 22%; Đảng bộ xã có 18 chi bộ. Trải qua nhiều thời kỳ sáp nhập, chia tách, đến năm 2018, Hóa Trung có 13 xóm, trong đó có đến bảy xóm chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số. Đồng chí Trần Hữu Thắng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Do số hộ các xóm chênh lệch lớn, cộng đồng dân cư tự quản ở các xóm không đồng đều, tạo ra sự bất cập, mất cân bằng trong thực hiện nhiệm vụ và phát triển. Xóm ít hộ thường phải đóng góp nhiều hơn so với các xóm khác khi huy động nguồn đối ứng thực hiện công trình. Bên cạnh đó, các xóm ít hộ, số đảng viên ít, nhưng chủ yếu lại tập trung trong dòng họ, một vài gia đình cho nên sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo toàn diện còn hạn chế”. Vì lợi ích chung, Đảng ủy, HĐND và UBND xã có quyết tâm chính trị, xây dựng phương án, tổ chức lấy ý kiến và nhân dân đồng thuận, năm 2018 Hóa Trung trở thành xã đầu tiên sáp nhập, sắp xếp các xóm. Cụ thể, đã giảm từ 13 xóm còn bảy xóm. Sau khi sáp nhập xóm, xã Hóa Trung đã xây dựng được cộng đồng dân cư gắn kết, thống nhất, phát triển toàn diện, chọn được những cán bộ xóm có tín nhiệm và tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời giảm được tổng số 78 cán bộ xóm, cán bộ đoàn thể, một năm ngân sách tiết kiệm được 392 triệu đồng chi cho phụ cấp. Bên cạnh Hóa Trung, xã Hóa Thượng cũng thuộc huyện Đồng Hỷ thực hiện sáp nhập sáu xóm không đủ 50% tiêu chuẩn về dân số để thành lập ba xóm mới, giảm từ 17 xóm xuống còn 14 xóm, giảm hơn 20 chức danh ở xóm, mỗi năm tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng, Nguyễn Minh Huy cho biết: “Sau khi sáp nhập thành xóm mới, có điều kiện lựa chọn được cán bộ xóm tốt, nguồn lực phát triển được đầu tư tập trung hơn, nhân dân đoàn kết, có điều kiện để giao lưu học hỏi phát triển kinh tế”. Đến nay, huyện Đồng Hỷ đã sắp xếp, sáp nhập 116 xóm, tổ dân phố để thành lập 54 xóm, tổ dân phố mới, toàn huyện giảm từ 205 xóm, tổ dân phố xuống còn 143 xóm, tổ dân phố, giảm 62 xóm, tổ dân phố, giảm 682 người giữ các chức danh, mỗi năm ngân sách tiết kiệm 4,5 tỷ đồng. Cả tỉnh Thái Nguyên đã sáp nhập 1.294 thôn, xóm, tổ dân phố để thành lập 598 thôn, xóm, tổ dân phố mới, qua đó giảm 696 thôn, xóm, tổ dân phố. Thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đã sáp nhập bốn đơn vị cấp xã để thành lập hai đơn vị cấp xã mới, giảm 77 cán bộ, công chức, viên chức sự nghiệp và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới tổ chức các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể, đến nay các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy giảm bảy lãnh đạo ban, giảm 20 đầu mối trực thuộc, giảm 27 lãnh đạo cấp phòng và tương đương, thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các ban Đảng; trưởng ban tuyên giáo cấp huyện đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện. Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo sắp xếp, đổi mới tổ chức các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và đã giảm mười lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; giảm gần 30 lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, năm lãnh đạo chi cục và tương đương, hơn 40 lãnh đạo cấp phòng thuộc chi cục; giảm gần 100 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, tổ chức lại hoặc giải thể; hơn 20 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên; thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tài chính.

Hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Việc sắp xếp xóm, tổ dân phố, cấp xã, giảm đầu mối trực thuộc, giảm lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị không những tiết kiệm chi ngân sách rất lớn, mà do làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy dân chủ cho nên bộ máy hoạt động ổn định, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận. Trong đó, đại hội chi bộ nhiệm kỳ mới ở tất cả các xóm, thôn, tổ dân phố được sáp nhập thời gian vừa qua diễn ra đúng kế hoạch, chọn được đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ được nhân dân và chi bộ tín nhiệm cao, tinh thần đoàn kết được phát huy.

Phường Châu Sơn, TP Sông Công được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Vinh Sơn và phường Lương Châu, bộ máy cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2020, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, đoàn kết, phấn khởi, đội ngũ cán bộ dôi dư được sắp xếp ổn thỏa. Sau khi sáp nhập, Đảng bộ phường Châu Sơn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, chọn ra đội ngũ cán bộ cấp ủy như dự kiến, tín nhiệm cao, người không trúng cấp ủy đạt tỷ lệ phiếu hơn 70%. Điều đó cho thấy, việc sáp nhập xóm, thôn, tổ dân phố và đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh Thái Nguyên thực hiện bài bản, dân chủ được phát huy khi tất cả đều lấy ý kiến nhân dân; đội ngũ cán bộ được chuẩn bị tốt, lựa chọn những cán bộ có năng lực, uy tín gánh vác công việc chung, cho nên sau khi sáp nhập hoạt động ổn định ngay.

Sau khi sắp xếp lại, tổ chức và bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập không những gọn lại, giữ vững đoàn kết mà hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Điển hình là, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên, sau khi sáp nhập năm trung tâm gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Da liễu - Chống phong thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã tiết kiệm được hai trụ sở làm việc, giảm chín giám đốc và phó giám đốc, giảm 15 khoa, phòng, giảm 20 trưởng, phó khoa, giảm 46 biên chế sự nghiệp và hợp đồng; các khoa, phòng mới được xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể, hoạt động hiệu quả, phối hợp công tác chặt chẽ. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, CDC tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham mưu cho tỉnh và Sở Y tế xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng; phối hợp tổ chức xét nghiệm hơn 1.400 người nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2; tự cải tạo, tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để xét nghiệm SARS-CoV-2 mà không mua máy mới. Sau khi đổi mới tổ chức và quản lý, 19 cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên tự chủ, hoặc tự chủ một phần chi thường xuyên; trong đó có bảy bệnh viện tự chủ 100% chi thường xuyên.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đánh giá: “Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kế hoạch số 79-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh được sắp xếp, đổi mới quản lý cho nên chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Cụ thể là bộ máy tinh gọn, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hầu hết các bệnh viện đều phát triển nhiều kỹ thuật mới trong khám, điều trị cho nên chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên, thu hút ngày càng nhiều người đến khám, điều trị bệnh. Sau mỗi năm lại có một số đơn vị vươn lên tự chủ 100% chi thường xuyên, góp phần giảm chi cho ngân sách”.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố, xã, phường đến nay mang lại hiệu quả thiết thực, đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tăng lên; cán bộ dôi dư sau sắp xếp được giải quyết ổn thỏa, tới đây tỉnh có chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập; tinh thần tự quản của người dân ở cộng đồng và đoàn kết được giữ vững; nguồn lực đầu tư tập trung hơn. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cũng mang lại kết quả tốt. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương”.

Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với một số lĩnh vực và một số nhiệm vụ đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền cho nên việc thực hiện còn gặp khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn. Điển hình là, tỉnh có nhiều khu công nghiệp, công nhân đến làm việc, sinh sống trên địa bàn đông dẫn đến quá tải ở nhiều trường mầm non, phổ thông, nhưng biên chế giáo viên không được giao theo định mức, mà còn phải giảm theo quy định. Cơ sở pháp lý, các quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị dự kiến kiện toàn, sắp xếp, sáp nhập chưa đồng bộ. Sáp nhập bốn đơn vị hành chính cấp xã, thừa ra hai trụ sở, hai trạm y tế, đến nay chưa có phương án sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh giảm gần 700 xóm, thôn, tổ dân phố cũng có nghĩa là số lượng nhà văn hóa vừa thừa, vừa thiếu rất lớn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh hỗ trợ, nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa này lên đến vài trăm triệu đồng, có nơi lên đến hàng tỷ đồng, khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố thì số hộ dân tăng lên, quy mô nhà văn hóa trở nên quá nhỏ, khi có sinh hoạt xóm, tổ dân phố rất nhiều người dân phải đứng vì không đủ chỗ ngồi. Giải quyết vấn đề nêu trên đang là việc khó của các xóm sau sáp nhập, vì nếu cơi nới, sửa chữa thì nhà văn hóa không đồng bộ về thiết kế, còn nếu xây mới thì nhân dân lại phải đóng góp, vận động là không dễ, nhất là ở nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đây đang là vấn đề mà tỉnh cần sớm giải quyết.