Theo cam kết về thuế quan của Việt Nam trong WTO vừa được Bộ Tài chính công bố, có khoảng 35,5% số dòng thuế trong biểu thuế phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu so với mức thuế suất hiện hành. Ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính, tác động trực tiếp về cắt giảm thuế suất sẽ làm số thu từ hoạt động nhập khẩu giảm khoảng 10%. |
Phóng viên: Xin các ông cho biết, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào tới nguồn thu NSNN?
Ông Quách Ðức Pháp: Nếu tính tác động giảm thuế làm tăng kim ngạch thương mại chung và tăng kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng giảm thuế, dẫn đến tăng thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, thì tác động của việc giảm thuế đến tổng thu ngân sách khi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế sẽ không nhiều. Mặt khác, khi gia nhập WTO, việc xóa bỏ trợ cấp và các khoản ưu đãi thuế cũng sẽ bù đắp tác động tiêu cực của việc giảm thuế nhập khẩu đến thu NSNN (tính toán sơ bộ các khoản này có thể tương đương 30-40 triệu USD/năm).
Ông Phạm Duy Khương: Việc cắt giảm thuế nhập khẩu khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ không ảnh hưởng tới nguồn thu nội địa. Ngược lại, số thu nội địa sẽ tăng dần trong thời gian tới, bù đắp vào số thu giảm do cắt giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, cơ cấu thu NSNN sẽ thay đổi đáng kể theo hướng số thu từ hoạt động nhập khẩu giảm, trong khi số thu nội địa tăng dần. Trong thời gian đầu, thu nội địa sẽ không tăng ngay, nhưng sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, gia nhập WTO, sẽ có nhiều dự án đầu tư nước ngoài triển khai hoạt động cho nên số thu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể. Ðồng thời, nguồn thu giữa các địa phương sẽ thay đổi. Ðịa phương nào thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, thu ngân sách sẽ tăng.
Phóng viên: Theo ông những biện pháp nào để bổ sung nguồn thu, tăng tính ổn định trong cơ cấu và nguồn thu ngân sách?
Ông Phạm Duy Khương: Việc nghiên cứu, ban hành các chính sách thuế cũng như việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, cơ cấu hệ thống thuế sẽ được thực hiện phù hợp thực tiễn cũng như các cam kết hội nhập quốc tế. Nguyên tắc là giảm số lượng và mức thuế suất của một số loại thuế nhằm bảo đảm mức động viên hợp lý vào NSNN theo hướng thu trên diện rộng, nhưng giảm gánh nặng thuế để tăng cường tính công bằng và hiệu quả của thuế, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ huy động về thuế đối với doanh nghiệp sẽ thấp đi, nhưng diện chịu thuế, nộp thuế sẽ mở rộng hơn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy.
Luật Quản lý thuế dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Triển khai thực hiện luật này sẽ làm thay đổi căn bản phương pháp quản lý thuế: từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cơ chế tự khai, tự nộp thuế sẽ được áp dụng rộng rãi. Luật quản lý thuế cũng là cơ sở pháp lý để hình thành các doanh nghiệp làm dịch vụ kê khai thu thuế. Sự xuất hiện của những doanh nghiệp làm dịch vụ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh tốt hơn, giảm chi phí quản lý đối với cơ quan thuế và chi phí tuân thủ đối với đối tượng nộp thuế. Với mô hình quản lý thuế như vậy, chắc chắn số thu nội địa sẽ tăng.
Phóng viên: Trước tác động của cạnh tranh quốc tế, số thu từ khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn, xin ông cho biết, ngành thuế có những giải pháp nào để không bị giảm nguồn thu từ khu vực kinh tế này?
Ông Phạm Duy Khương: Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới thành lập. Trong thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp mới sẽ tăng lên. Vì thế, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh được coi là biện pháp hàng đầu của ngành thuế. Ngay từ khi doanh nghiệp đăng ký thành lập, cơ quan thuế sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Công an xây dựng cơ chế "một cửa" liên thông, nhằm cải cách thủ tục hành chính từ khâu đăng ký kinh doanh đến cấp mã số thuế, khắc dấu... Mã số thuế sẽ chính là mã số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Ðơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, quản lý hồ sơ doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu thông tin... sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí gia nhập thị trường. Cơ quan thuế cũng hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập thông qua các hình thức như hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế, lập đường dây điện thoại trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, đơn giản hóa và công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục về đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chính sách thuế một cách dễ dàng nhất. Cơ chế tự khai, tự nộp thuế được áp dụng rộng rãi, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Ngoài ra, tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chống thất thu thuế. Các biện pháp chế tài cần được công khai, minh bạch, từ đó xây dựng ý thức tự giác nộp thuế trong doanh nghiệp. Việc vi phạm về thuế phải xử lý nghiêm với những chế tài mạnh để doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật cao hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các ông!