Điều chỉnh lãi suất, bảo đảm tính bền vững của chương trình nhà ở xã hội

|

NDO - Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/8/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ mức 4,8%/năm lên 6,6%/năm. Mức lãi suất mới này được điều chỉnh nhằm bảo đảm tính bền vững của chương trình cho vay và giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước.

Cân nhắc từ nhiều góc độ

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã mang đến một loạt thay đổi đáng chú ý liên quan việc cho vay nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng chú ý là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Mức lãi suất nợ quá hạn cũng được quy định là 130% so lãi suất cho vay thông thường. Điều này có nghĩa rằng, với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại là 6,6%/năm, lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng thêm 1,8% so trước đây.

Tin liên quan
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận, mức lãi suất cho vay này đã được cơ quan có thẩm quyền tổng kết, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ; dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, người dân để hoàn thiện, thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành theo quy định.

Đánh giá về những điều chỉnh mới, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định việc phê duyệt mức lãi suất 6,6%/năm đã được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm cân đối nhiều yếu tố. Ông Hùng cũng cho rằng chính sách này cần nhìn nhận từ góc độ ổn định và dài hạn, với thời hạn vay lên đến 25 năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến 31/7/2024, sau gần 10 năm triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 20.894 tỷ đồng cho hơn 49.000 khách hàng, dư nợ đạt 17.263 tỷ đồng với gần 46.000 khách hàng đang còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách về nhà ở xã hội đã góp phần giúp hơn 49.000 người thu nhập thấp, công nhân cùng gia đình có nhà ở xã hội và góp phần xây dựng hơn 49.000 căn nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Xem xét điều chỉnh phù hợp thực tiễn

Gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Vy ở Phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội vui mừng khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 600 triệu đồng vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội.

Được tính toán kỹ lưỡng nhằm duy trì tính bền vững của chương trình và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một chính sách ổn định trong dài hạn.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, mức lãi suất 6,6%/năm là tương đối hấp dẫn; đồng thời nhấn mạnh cần cố định mức lãi suất này trong nhiều năm để tạo sự ổn định cho người vay. Ông Nguyễn Trí Hiếu lấy thí dụ về lãi suất vay mua nhà tại Mỹ, nơi mức lãi suất có thể lên đến 7,5%/năm nhưng được cố định trong suốt 30 năm, giúp người vay có thể lên kế hoạch tài chính dài hạn mà không lo ngại về sự biến động của lãi suất.

Trước những ý kiến đa chiều liên quan việc điều chỉnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận khẳng định, với vai trò là đơn vị triển khai thực hiện cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp thu các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, từ đó báo cáo trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

"Ngân hàng Chính sách xã hội cam kết tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định về lãi suất cho vay", ông Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.

Gần 6,8 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội là loại hình Ngân hàng chính sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002, Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, mức vốn cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay...

Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã không ngừng hoàn thiện và triển khai thành công mô hình tổ chức quản trị, điều hành và đã tiếp nhận, quản lý an toàn, hiệu quả nguồn vốn tín dụng, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội góp phần vào thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bảo đảm an sinh xã hội.

Đến hết 31/7/2024, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 373.010 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 350.822 tỷ đồng với gần 6,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ gần 6,8 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7,2 triệu lao động (trong đó gần 145 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ gần 4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, giúp mua hơn 90 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng gần 20 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 731 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.

Đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP:

1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.

3. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.

7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.

8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.