Phát triển thị trường xăng dầu ổn định, minh bạch và hiệu quả

|

NDO - Xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất. Đây cũng là mặt hàng thường xuyên biến động vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Điều đó đặt ra vấn đề là phải làm sao bình ổn điều hành giá hiệu quả và minh bạch

Điều hành bình ổn bằng công cụ hiện đại

Việt Nam có ba công cụ để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Công cụ đầu tiên là điều hành thông qua giá cơ sở, mặc dù xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, kể các doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành, 7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần.

Công cụ thứ hai là công cụ về thuế, khi giá thế giới tăng cao cần phải giảm chi phí cho cấu thành giá chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu, thậm chí giảm thuế môi trường.

Công cụ thứ ba là bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn. Như vậy công cụ sử dụng của Việt Nam khá tổng hợp và về mặt hình thức, cơ bản sử dụng công cụ tổng hợp như nhiều quốc gia đã sử dụng.

Tại Tọa đàm ngày 30/7 với chủ đề “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, nhận định bộ ba công cụ trên thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. “Mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Nhập vào cao thì chúng ta vẫn phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được. Chúng ta phải phụ thuộc vào biến động bất thường, thường xuyên của thế giới, trong vòng chậm nhất cũng là 7 ngày.”

“Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán” - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội dẫn chứng.

Đối với công cụ về Thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, “thực chất dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường”.

Theo đó vị đại biểu này đề xuất việc sửa đổi chính sách quản lý thị trường xăng dầu trong thời gian tới nên chuyển từ cơ chế quản lý hành chính Nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Đồng thời cũng cần tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng các công cụ phái sinh để bình ổn thông qua nghiệp vụ bảo hiểm giá. Do đây là các công cụ hiện đại đang được các công ty lớn trên thế giới sử dụng.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo chia sẻ, "nút thắt trong tất cả các nghị định trong thời gian vừa qua thì cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/l cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng/l năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành".

“Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" tôi cho rằng là lớn nhất. Đúng như đại biểu Hoàng Văn Cường vừa mới đề cập, chúng ta phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định” - ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu đề xuất “đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế này. Về bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành”.

“Khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu” - đại diện Hiệp hội Xăng dầu lý giải.

“Vấn đề này được điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tôi cho rằng hết sức đúng đắn, là phải đánh giá, rà soát lại và xây dựng mới nghị định để thay thế những tồn tại trong Nghị định 83, Nghị định 95,…trong thời gian vừa qua” - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.

Cần bổ sung quy định chính sách phù hợp

Tại Thông báo số 5124/VPCP-TH ngày 18/7 Văn phòng Chính phủ có truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo "sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu".

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 30/7/2024, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã tổ chức Hội thảo thảo luận về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều nước cũng tham vọng mở sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, thành công thì dường như chỉ có hai sàn, gồm sàn của Mỹ giao dịch dầu WTI và sàn tại London giao dịch dầu Brent.

Còn các sàn còn lại như tại Trung Đông, hay những vùng có khối lượng giao dịch lớn như Singapore chỉ được xem là các sàn giao dịch thứ cấp, bởi còn yếu tố như không đủ khối lượng khách tham gia, hay không hấp thu được khối lượng khách lớn là các trung tâm giao dịch…

Vì thế, với sự phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới (giá thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá Việt Nam) liệu khi chúng ta có một sàn giao dịch xăng dầu thì có thoát khỏi sự ảnh hưởng của các sàn giao dịch thế giới hay không? - ông Hùng đặt vấn đề,

"Nói như vậy để thấy, Việt Nam có thành lập sàn thì cũng chỉ là một sàn thứ cấp phụ thuộc vào quốc tế, chứ không thể mang tính chất định đoạt được thị trường, do giá mua phụ thuộc vào thị trường thế giới và giá bán cũng tham chiếu thị trường thế giới", ông Hùng nói.

Theo đại diện thương nhân đầu mối xăng dầu Long Hưng, có thể hiểu sàn giao dịch xăng dầu trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng như một sàn giao dịch chứng khoán, có hàng hóa thật, có mua bán và thông qua giao dịch ngân hàng.

Về phía các chuyên gia, PGS, TS Ngô Trí Long nêu ý kiến, đặc thù của thị trường xăng dầu Việt Nam là giá do Nhà nước điều hành. Trong khi đó, nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu thì phải tuân thủ theo quy định quốc tế chứ không thể “một mình một chợ”. Đồng thời, việc thành lập sàn giao dịch cũng đòi hỏi chi phí vô cùng lớn, từ đầu tư cho hệ thống an ninh mạng, phần mềm, nhân sự vận hành, nhân sự giám sát quản lý…

Do đó, trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng, Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã từng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối được sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá. Tuy nhiên, các Nghị định sửa đổi sau này đã bỏ quy định này. Vì xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên cần đưa quy định này trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng: Cho phép tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) để bảo hiểm giá.

“Trước mắt, nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại MXV như Bộ Công Thương đã từng cho MXV thí điểm niêm yết giao dịch từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm giá xăng dầu và đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xem nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu như thế nào cho phù hợp với thực tiễn” – PGS, TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại MXV.

Tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên đã được Bộ Công thương cho phép giao dịch thí điểm tại sở MXV từ tháng 5/2020 và đã dừng giao dịch từ tháng 5/2024, ông Khanh đề xuất, nên cho tiếp tục giao dịch qua MXV trong thời gian xây dựng các quy định. Từ đó, đúc rút những kinh nghiệm từ việc thí điểm sàn này để xây dựng chính sách phù hợp.

Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất cần bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được bảo hiểm giá thông qua việc giao dịch tại sở giao dịch hàng hoá; Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ hạch toán kế toán cho doanh nghiệp tham gia giao dịch…