Sáng mãi tấm gương người cộng sản kiên trung

|

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường luôn được nhân dân cả nước kính trọng và tự hào. Những cống hiến của đồng chí cho Đảng, cho dân vẫn luôn được thế hệ trẻ nhắc nhớ, học tập và noi gương. 

Trọn đời vì sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30-9-1910 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Thuở thiếu thời, đồng chí đã tham gia các phong trào yêu nước, nhất là cuộc vận động nhân dân tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927, khi mới 17 tuổi, đồng chí gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng. Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3 năm 1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Từ năm 1931 - 1933, đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Ra tù, đồng chí tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ ngày 25-7-1935 đến ngày 21-8-1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va. Trong thời gian từ năm 1935 đến 1936, đồng chí vào học khóa ngắn hạn tại Trường đại học Phương Đông. Đầu năm 1937, đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30-7-1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man nhưng không khuất phục được đồng chí. Ngược lại, từ trong trại giam, đồng chí vẫn tiếp tục chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến sáng ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Trước pháp trường, đồng chí hướng về phía đồng bào nói lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”. 

Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai có thể khái quát ở một số nét chung theo các giai đoạn lịch sử. Thời kỳ trước khi thành lập Đảng, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đi theo con đường cách mạng dưới ngọn cờ của giai cấp công nhân Việt Nam; chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất và luôn giữ vững khí chất người cách mạng (1930 - 1934); luôn tích cực tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với cách mạng Việt Nam (1935 - 1936); nữ lãnh đạo tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo đến cơ sở và phong trào cách mạng (1936 - 1939); Bí thư Thành ủy hiên ngang, bất khuất vì lý tưởng của Đảng và của dân tộc (1940 - 1941). Lịch sử đã ghi nhận đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ cách mạng tiền bối, một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng góp phần đặt nền móng xây dựng Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam; là người học trò kiên trung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những đóng góp to lớn, hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là tiêu biểu trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương sáng chói về khí tiết cách mạng, đã dành trọn cuộc đời hy sinh cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương hoạt động, cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi trường tồn trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Những suy nghĩ bên Nhà lưu niệm 

Tới thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nằm trên đại lộ Quang Trung, phường Quang Trung, TP Vinh dễ thấy đây là một không gian đặc biệt. Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp, sôi động bên ngoài, không gian nơi đây thật tĩnh lặng, tôn nghiêm. Nhà lưu niệm nằm trong khuôn viên rộng 2.400 m2 xây trên chính mảnh đất gia đình đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai từng sinh sống. Từ ngoài đi vào du khách sẽ gặp tượng đài đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cao 4,5m. Tượng làm theo ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại với những đường nét, mảng khối chắc khỏe; gương mặt được tả thật theo diện mạo của đồng chí. Tư thế tượng được thể hiện rất sinh động dáng dấp người phụ nữ hiên ngang. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, rất khác lạ so với các pho tượng thờ thường thấy ở những nơi khác. Phía sau tượng đài là nhà tưởng niệm mang kiến trúc đình làng Việt truyền thống. Trong Nhà tưởng niệm chia làm hai khu vực, điện thờ và nhà trưng bày, bảo đảm một không gian kiến trúc liền mạch, hiện đại hài hòa với truyền thống. Có thể thấy những chủ đề rất rõ ràng mang dáng dấp của một bảo tàng thu nhỏ ở không gian trưng bày này, đó là: Quê hương gia đình; Sự nghiệp cách mạng; Đất nước, quê hương tri ân và tôn vinh. Tại đây người xem được gặp nhiều tư liệu hình ảnh quý về thời ấu thơ, tuổi trẻ và cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ thử thách nhưng rất vẻ vang của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Gian thờ ấm mùi hương trầm với hoa tươi và nến hồng luôn được bày biện sẵn; Hai bên gian thờ có câu đối: Xứng danh tướng nữ cháu con Bà Triệu/ Rạng tiếng giống nòi tiên tổ Hùng Vương. Ở giữa phía trên cao là bức đại tự: Nữ trung anh kiệt.

Chị Nguyễn Thu Hằng, người quản trị Nhà lưu niệm cho biết: Từ khi khánh thành (năm 2012) và đưa vào sử dụng đến nay, Nhà lưu niệm đã đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập truyền thống. Đây cũng là nơi nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của danh nhân. Từ lâu đây cũng đã trở thành địa chỉ quen thuộc và ý nghĩa trong những dịp kết nạp đội viên, đoàn viên mới của các trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh. Các em đứng trước di ảnh thiêng liêng và tượng đài của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hát Quốc ca, Đoàn ca, Đội ca; hứa tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc, tiếp bước tinh thần, nghị lực, ý chí của đồng chí. Tin rằng, đây sẽ là kỷ niệm của nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng trong hành trang vào đời. Rồi đây các em sẽ trưởng thành mang tài trí và sức lực của mình tiếp bước con đường dựng xây, bảo vệ đất nước như lúc sinh thời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hằng mong muốn.

Vừa qua, tại TP Vinh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ-Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định giá trị trường tồn của hệ thống di tích Xô viết Nghệ-Tĩnh đối với công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng, của đất nước. Hiện, hệ thống di tích này có tiềm năng khai thác du lịch rất lớn với hàng chục nghìn lượt du khách hằng năm tri ân, về nguồn. Hội thảo cũng gợi mở một hướng đi mới của ngành du lịch: Du lịch về nguồn - theo dòng lịch sử. Với viễn cảnh đó, chắc hẳn Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm của loại hình du lịch mới này mở ra thêm nhiều hoạt động mới lợi cho Đảng, ích cho dân.