Thừa Thiên Huế dồn sức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ

|

NDO - Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa trái mùa 3 ngày qua khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều khu vực bị ngập cục bộ, ngập úng hàng nghìn ha lúa và hoa màu của người dân, nguy cơ mất trắng vụ đông xuân. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang huy động các lực lượng vũ trang, dân quân cùng chính quyền tại các địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu nguy cơ mất trắng

Chiều ngày 2/4, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trên địa bàn đã xảy ra mưa to và rất to trên diện rộng gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường.

Mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều khu vực thấp trũng tại Thừa Thiên Huế như các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh hiện có hơn 28.000 ha lúa đang thời kỳ trổ bông, trong đó hơn một nửa diện tích bị gãy đổ và ngập úng, hư hại; hơn 1.200 ha ngô, lạc, sắn, rau, hoa màu tại nhiều địa phương bị nước ngập úng, nguy cơ mất trắng. 

Đến chiều 2/4, lượng mưa ở Thừa Thiên Huế có giảm, lũ trên sông Bồ, sông Ô Lâu đang xuống dần, riêng hạ du sông Ô Lâu vẫn còn ở mức cao. Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Hương Điền tiến hành điều tiết xả nước để đón lũ về sông Bồ; đồng thời yêu cầu thủy điện Hương Điền thường xuyên cập nhật thông tin từ đơn vị này để điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.

 Lũ trái mùa khiến nhiều diện tích rau màu tại huyện Quảng Điền ngập sâu.

Tại huyện Phong Điền, chính quyền đang phối hợp các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, gia cố đê kè để chống úng cho các loại cây trồng. Nhiều đoạn đê xung yếu thuộc vùng hạ du sông Bồ, sông Ô Lâu như tại xã Phong Bình bị vỡ, nước tràn vào làm hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, ngã đổ; nhiều tuyến đường ven sông Ô Lâu thuộc các xã Phong Bình, Phong Hòa, Điền Hương bị nước ngập 0,3-0,5 m.

Mưa lớn đã bị ngập nhiều khu vực như Quốc lộ 49B đoạn qua địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, mức ngập sâu nhất khoảng 0,7 m. Tỉnh lộ 11B đoạn qua xã Phong Xuân bị ngập úng một số điểm, mức ngập sâu nhất 0,5 m. Tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ và Tỉnh lộ 6 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Hòa, nước ngập từ 0,5-0,7 m. Nhiều tuyến đường liên thôn, trục thôn các xã ngập cục bộ.

Tại huyện vùng thấp trũng Quảng Điền có hơn 3.580 ha lúa và gần 520 ha diện tích rau, màu bị ngập úng. Riêng về nuôi trồng thủy sản nước lợ, hơn 335 ha diện tích tràn đê; nhiều lồng cá trắm cỏ bị cuốn trôi tại Quảng Thọ; 0,8 ha ươm cá trắm tràn đê ở Quảng Phú. Mưa lớn khiến nhiều đường Tỉnh lộ 4 đoạn từ Quảng Phước đến Quảng An ngập 0,4 m; sạt lở chiều dài 10 m hói Bến Trâu tại xã Quảng Thái; đê hói thủy lợi Thống Nhất nứt vỡ 1 đoạn 10 m. 

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát kiểm tra giằng chống nhà cửa; cảnh báo các khu vực nuôi trồng thủy sản; mở tất cả các cống trên tuyến đê để thoát lũ, tổ chức kiểm tra các tuyến đê bao. Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm để tổ chức tiêu úng; rà soát các hộ, vùng có nguy cơ cao về thiên tai cần sơ tán, di dời; bố trí lực lượng, phương tiện, vật chất trang thiết bị phục vụ công tác phòng tránh mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Tại huyện Phú Vang, mưa lớn gây bị ngập hớ 4.455 ha lúa; 64,5 ha rau màu bị ngập úng hoàn toàn và 166,7 ha hồ nuôi thủy sản hạ triều bị ngập. Do mưa lớn nội đồng kết hợp với triều cường khiến hệ thống đê bao trên địa bàn huyện bị tràn và vỡ một số đoạn gây ngập úng nghiêm trọng. Trong đó, đê Xuân Lương Hồ dài 650 m bị tràn từ 0,1-0,15 m (đã khắc phục chống tràn). Đê Biền Chàm, đê Cách Ly (xã Phú Lương) và đê sông bị tràn từ 0,1-0,15 m với chiều dài 450 m; nhiều đê bao tại Phú Đa bị tràn 0,2-0,3 m, đặc biệt đê Trường Lưu (Phú Đa) bị vỡ 20 m, gây ngập hoàn toàn 607 ha lúa. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đã ban hành công văn triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương sẵn sàng máy móc, phương tiện để tiêu úng kịp thời; có phương án phối hợp, vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê bảo vệ diện tích sản xuất.

Tại thành phố Huế, do mưa cường suất lớn đã gây ngập úng, ngập lụt cục bộ một số tuyến đường như: Phạm thị Liên, Ngô Đức Kế, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Trãi... ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Riêng tuyến tỉnh lộ nối từ Huế đi thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) bị ngập nước gây khó khăn cho các phương tiện ưu thông và đi lại của người dân.

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân

Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều tối 2/4, trên địa bàn Thừa Thiên Huế ghi nhận có 27 nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đang hỗ trợ người dân khắc phục các nhà tốc mái nhẹ, các hộ có nhà bị thiệt hại lớn đã bố trí nơi ở tạm. Ngoài ra, mưa lớn đã làm 5 chiếc thuyền đầm phá và 2 chiếc ghe nhôm bị chìm.

 Các lực lượng bộ đội, công an cùng người dân xã Phong Bình (huyện Phong Điền) gia cố bao cát chống lũ tràn qua đê.

Thông tin báo cáo nhanh từ Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Cục Quản lý đường bộ 4) cho biết, do ảnh hưởng  mưa to đến rất to nên tuyến đường Hồ Chí Minh phân đoạn La Sơn-Túy Loan tại km 25 (qua huyện Nam Đông) bị sạt lở ta luy dương gây tắc đường. Chi cục Quản lý đường bộ II.5 đã yêu cầu các đơn vị rào đóng 2 đầu điếm sạt lở và phân luồng bảo đảm an toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 28.193,5 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông (diện tích lúa trổ khoảng 4.652 ha). Tuy nhiên, mưa lớn từ ngày 31/3 đến nay đã làm 15.185 ha lúa bị ngập (trong đó ngập trên 70% là 10.932 ha, ngập dưới 70% là 4.253 ha) và 1.136 ha lạc, ngô, sắn cùng rau các loại bị ngập.

Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân gia cố bảo đảm an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi đi kiểm tra một số công trình kè sông, kè biển, hồ chứa nước thủy lợi đang thi công trên địa bàn tỉnh để triển khai ứng phó với mưa lũ... 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hồ Đôn cho biết, đến thời điểm này, các diện tích nông nghiệp bị ngập gần như toàn bộ. Mưa còn kéo dài nên khả năng lũ sẽ còn lên, do đó, huyện xác định khả năng để cứu diện tích nông nghiệp bị ngập sẽ rất khó. Việc cấp bách bây giờ là không để người dân tự ra các cánh đồng để cứu lúa hay hoa màu, vì dễ xảy ra tai nạn đuối nước. UBND huyện có chỉ đạo nóng, yêu cầu các địa phương tập trung bảo vệ tính mạng cho người dân, tuyệt không cho người dân ra đồng ruộng để chống lũ, hay đánh bắt cá ở những vùng nguy hiểm.

 Do mưa lớn kéo dài, khu vực Đập Tràn (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) nước đang dâng cao, lực lượng công an hỗ trợ bà con nhân dân di chuyển để bảo đảm an toàn.

Tại các huyện vùng thấp trũng như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang… có nhiều cầu tràn và nhiều đoạn thấp trũng, lãnh đạo UBND các địa phương này đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương cùng Công an tăng cường các lực lượng chốt chặn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; đồng thời, cắt cử lực lượng công an xã và dân quân tự vệ trực chốt, nghiêm cấm phương tiện và người dân qua lại tại các điểm ngập lụt.

Các huyện Phong Điền, Quảng Điền cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phụ trách địa bàn chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn để kiểm tra, nắm chắc tình hình, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp của thời tiết để chỉ đạo cơ sở công tác sẵn sàng ứng phó; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Hiện tại, chính quyền các địa phương tại Thừa Thiên Huế cùng với người dân đang khắc phục tình hình ngập úng, rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Bố trí biển báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư gia cố đê bao, chống úng bảo vệ cho cây lúa và hoa màu.