Phóng viên (PV): Ngành du lịch là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Dự báo, đại dịch Covid-19 còn kéo dài ít nhất là cho tới khi có vaccine và sẽ còn để lại hậu quả với nhiều ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Xin ông cho biết sự ảnh hưởng đó đã tác động lên ngành du lịch Việt Nam như thế nào?
Phó Tổng Cục trưởng (TCT) Nguyễn Lê Phúc: Như chúng ta đang thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó Du lịch là ngành chịu tác động đầu tiên, kéo dài và chịu thiệt hại nặng nề nhất qua hai đợt bùng phát của đại dịch.
Tính tới tháng 9-2020, đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động; doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách; các doanh nghiệp lớn với vốn tư nhân chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng trong tình trạng vô cùng khó khăn. Theo báo cáo chúng tôi nhận được, trong tháng 8-2020, tỷ lệ hủy phòng gần 100%. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)..., tỷ lệ hủy phòng khách du lịch đã đặt trong tháng 8-2020 cao hơn 80% và sẽ tiếp tục hủy phòng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Doanh thu 8 tháng đầu năm của các cơ sở lưu trú trên cả nước ước tính chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ phá sản, hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác.
Ngoài ra, các sự kiện xúc tiến du lịch năm 2020 như Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2020); các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Ninh Bình..đều bị tạm dừng hoạt động.
PV: Sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, Bộ VHTTDL đã thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và đã có một số kết quả tích cực. Xin ông cho biết những kết quả của chương trình này?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: Đợt kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” rơi đúng vào tháng cao điểm du lịch hàng năm, khi học sinh vào kỳ nghỉ hè. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và có được “thời điểm vàng”, đợt kích cầu này đã thu được những kết quả tích cực. Trong tháng 6, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh trung bình từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5-2020 như: Sa Pa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Cao Bằng tăng 1,2 lần; Hà Nội 3,16 lần; Quảng Ninh tăng 1,7 lần; Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng gấp 2 lần; Quy Nhơn (Bình Định) tăng 2,8 lần; Phú Yên tăng 1,5 lần; Thừa Thiên Huế tăng gấp 2,2 lần; Đồng Tháp tăng 1,2 lần; Phú Quốc tăng 1,68 lần so với tháng 5-2020...
Với kết quả phấn khởi đó, các doanh nghiệp du lịch khởi động lại hoạt động kinh doanh, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới, cung cấp các gói dịch vụ (combo) ưu đãi giảm giá đến 50-60%. Trong tháng 5 và tháng 6, lượng khách mua tour của một số công ty du lịch tăng mạnh như Hanoitourist đạt khoảng 5.000 lượt; Vietrantour 3.000 lượt; Redtour 5.000 lượt, Vitour 19.000 lượt.
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển khách du lịch được phục hồi giúp tần suất khai thác của các hãng hàng không tăng cao. Vietnam Airlines đã mở lại 100% các đường bay nội địa, đồng thời đã mở thêm 18 đường bay mới kết nối các trung tâm du lịch của cả nước; tần suất hoạt động trung bình khoảng 400 chuyến bay/ngày, riêng cuối tuần là 450 chuyến bay/ngày. Bamboo Airways trong tháng 5, 6 đã thực hiện 3.116 chuyến bay trên các đường bay nội địa đến gần 20 tỉnh, thành là các trung tâm du lịch, công suất chuyên chở tăng nhanh, đạt khoảng 80%. Vietjet Air trong tháng 5 đã thực hiện khoảng 8.000 chuyến bay với 45 đường bay trong nước, gần bằng 100% so với trước dịch.
Những con số trên rõ ràng đã nói lên hiệu quả cũng như sức lan tỏa của việc kích cầu du lịch nội địa giai đoạn trước.
Tính đến hết tháng 8-2020, đã có hơn 30 địa phương trên cả nước đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, ban hành Kế hoạch kích cầu du lịch (Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bình Định, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Hòa Bình...). Một số hoạt động kích cầu du lịch tiêu biểu tại các địa phương như: Đà Nẵng tổ chức chương trình “Danang Thank You 2020”; Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 “Kết nối lữ hành: Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”; Khánh Hòa tổ chức Chương trình gặp mặt kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch của tỉnh Khánh Hòa và TP Hà Nội; Nghệ An tổ chức Hội thảo kích cầu bàn giải pháp thúc đẩy phát triển Du lịch hậu Covid-19...
PV: Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần đầu đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid trên thế giới còn diễn biến phức tạp, và du lịch vừa kịp khởi sắc đã bị cú đấm bồi lần hai gây hậu quả nặng nề hơn khi dịch bùng phát đợt hai trong mùa hè vừa rồi. Để kích cầu du lịch thận trọng, hiệu quả và an toàn hơn, xin ông cho biết chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai này có gì khác so với lần đầu khi chúng ta đều biết cần phải nhấn mạnh yếu tố an toàn, kích cầu thận trọng?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai sẽ khắc phục một số vấn đề xảy ra ở giai đoạn trước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước, vừa giúp cộng đồng doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.
Có thể kể đến mấy điểm khác trong đợt kích cầu đợt hai như sau: Thứ nhất, bên cạnh đối tượng du khách là người Việt Nam như giai đoạn trước, đợt kích cầu đợt này sẽ chú trọng thêm đối tượng khách là người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Đây có thể là những đại sứ du lịch an toàn Việt Nam giới thiệu ra với thị trường khách quốc tế.
Thứ hai, trong đợt này chúng tôi nhắm tới việc xây dựng thông điệp du lịch truyền tải phù hợp với bối cảnh chung và riêng của từng địa phương;
Thứ ba, chúng tôi khuyến khích các địa phương, công ty lữ hành tạo ra sản phẩm có định hướng chủ đạo là ngắn ngày, phù hợp nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch MICE, golf,…
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn Liên minh kích cầu thực hiện rõ nét hơn vai trò tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng. Các địa phương trọng điểm du lịch và doanh nghiệp đầu tàu cũng phải có cam kết và tính đến các chính sách hoãn hủy linh hoạt.
PV: Vậy những biện pháp cụ thể lần này là gì, thưa ông? Các đơn vị lữ hành, các cơ sở tổ chức du lịch cần phải làm gì?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: Khi dịch bùng phát lần hai tại Việt Nam, du khách có tâm lý rất e ngại đi du lịch vì lo sợ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Vì vậy, việc thực hiện bảo đảm an toàn, đẩy mạnh truyền thông về an toàn phòng chống dịch bệnh luôn được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế. Tổng cục Du lịch cũng đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch rất cụ thể. Toàn bộ quy trình tiếp đón an toàn của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ luôn được duy trì nghiêm ngặt.
Tổng cục Du lịch cũng vừa cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ứng dụng này được kỳ vọng là một công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn, quảng bá điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.
Song song với đó, các đơn vị lữ hành cũng xây dựng các sản phẩm phù hợp nhu cầu khách, đi kèm cam kết về giá và chất lượng.
Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cũng phải chủ động thu hút sự vào cuộc, ủng hộ của các cơ quan truyền thông, xóa bỏ tâm lý e ngại dịch bệnh khi đi du lịch cũng như giới thiệu rộng rãi về các sản phẩm, gói kích cầu.
PV: Ông có thể cho biết những khó khăn mà ngành du lịch phải giải quyết khi vừa phải đề ra các biện pháp bảo đảm được sự an toàn cho du khách và những người làm du lịch nhưng lại không làm mất tính hấp dẫn, tự do khám phá và nghỉ dưỡng của du khách khi tới các điểm du lịch?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: Trong bối cảnh ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19 hiện nay, số lượng nhân sự trong ngành du lịch sụt giảm, nguồn lực và quy mô bị hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng cung ứng dịch vụ, nhân lực triển khai hoạt động an toàn.
Ngoài ra, khi triển khai chương trình kích cầu du lịch lần hai, ngành Du lịch cũng phải đối mặt với nhiều thách thức: thời điểm “vàng” của du lịch đã qua ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu của thị trường giảm sút,…
Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp du lịch về việc gặp nhiều khó khăn do du khách gây ra như: Một bộ phận khách du lịch do nhận thức chưa đầy đủ nên đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y Tế; trốn tránh việc khai báo y tế;…
Do đó, để bảo đảm an toàn cho du khách và cả chính người làm du lịch, ngành du lịch cũng rất cần sự hợp tác cả ở phía du khách.
PV: Từ những kinh nghiệm và bài học rút ra từ “cú đấm bồi” của làn sóng Covid-19 thứ hai vừa qua, Tổng cục Du lịch đã chuẩn bị những kịch bản như thế nào để ứng phó cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ví dụ như sự quá tải của du khách hoặc có sự lỏng lẻo một khâu nào đó trong kiểm soát? Vai trò của các cấp, các ngành trong việc này được xác định như thế nào?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: “Cú đấm bồi” của làn sóng Covid-19 thứ hai vừa qua đã khiến ngành Du lịch rơi vào tình cảnh “ đã khó, càng thêm khó”. Tuy nhiên, ngành cũng rút ra được nhiều bài học quan trọng. Để thị trường du lịch dần từng bước phục hồi trở lại, ngành du lịch xác định tập trung tối đa nguồn lực vào việc đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn; luôn đặt sự an toàn của khách du lịch lên hàng đầu.
Song song với đó là chuẩn bị những kịch bản để ứng phó những tình huống xấu nhất tiếp tục xảy ra. Tổng cục Du lịch xác định bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ kịp thời xử lý tình hình phát sinh của dịch bệnh.
Tiếp tục phát huy những mặt đạt được ở lần kích cầu trước, Tổng cục Du lịch đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Sở quản lý du lịch địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội du lịch địa phương, hội nghề nghiệp liên quan tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát, phản ánh tình hình kịp thời qua các đường dây nóng để đảm bảo đúng như cam kết về chất lượng và giá cả.
Các cơ quan chức năng liên quan cần nghiêm túc thực hiện và tiến hành thanh, kiểm tra về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch bổ trợ khác. Đồng thời tiến hành tuyên truyền vận động du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan.
PV: Bản báo cáo tóm tắt về tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch công bố hôm 25-8, Tổ chức Du lịch Thế giới đưa ra nhận định rằng đại dịch Covid-19 hiện cũng đặt ra cơ hội để suy nghĩ lại về ngành du lịch. Từ góc độ của Nhà quản lý, ông có thể đưa ra đự báo về xu hướng du lịch hậu Covid-19 tại Việt Nam?
Phó TCT Nguyễn Lê Phúc: Theo nhận định của các chuyên gia thì ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi có vaccine phòng chống dịch Covid-19 và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Vì vậy hiện chưa thể đưa ra các dự báo chắc chắn về xu hướng du lịch hậu Covid-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể nói, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch và dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi.
Thị trường du lịch được dự đoán sẽ chuyển dịch từ chú trọng tới thị trường du lịch quốc tế sang đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.
Khách du lịch sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người, nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng, xu hướng đi du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước.
Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao; xu hướng du lịch biển và thiên nhiên tăng lên nhanh chóng; Khách lựa chọn đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống và 70% là lựa chọn đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè; cuối cùng là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với các nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến, trong đó có tới 62,1% muốn đi du lịch tự túc.
Nhu cầu du lịch được dự báo sẽ tăng, mặc dù sẽ ở mức độ tăng chậm trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn. Chúc ông sức khỏe và mong ngành du lịch vững vàng sớm vượt qua cơn bão Covid-19 và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Du lịch an toàn phòng Covid-19