Những tác phẩm được giải đều có nội dung bám sát chủ đề của Hội chữ xuân năm nay là “Uống nước nhớ nguồn”. Được lựa chọn và chấm từ 100 tác phẩm, đã có một giải nhất, ba giải nhì, ba giải ba và một giải khuyến khích được trao cho các thư pháp gia.
Câu lạc bộ thư pháp Tảo Sách chiếm một giải nhất, một giải nhì và một giải khuyến khích; Câu lạc bộ Thư pháp Việt tâm bút và câu lạc bộ thư pháp Nhân mỹ học đường nhận hai giải ba và Câu lạc bộ thư pháp Bút Nam hồn Việt nhận một giải nhì. Điều đặc biệt là số tác giả trẻ chiếm đa số (sáu trong số tám giải thưởng năm nay). Nhiều thư pháp gia còn đang trong độ tuổi 9x.
Tác giả trẻ Nguyễn Duy Thanh, Câu lạc bộ Thư pháp Tảo Sách, và tác phẩm được giải nhất.
Nghệ thuật Thư pháp đã có hơn 3000 năm lịch sử. Diện mạo thư pháp Việt Nam cũng đã xác lập hơn 10 thế kỷ với nhiều nét đắc sắc riêng qua mỗi thời. Những năm gần đây, bắt đầu từ việc yêu thích, học nghĩa, luyện chữ đến việc hình thành rồi giao lưu giữa các nhóm, các câu lạc bộ thư pháp, có thể nói “phong trào” thư pháp ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh khu vực phía bắc nói chung đang trên đà khởi sắc. Số các học viên Hán - Nôm học và luyện tập thư pháp càng đông hơn, tác phẩm thư pháp được xem và chuộng nhiều hơn. Đó là những tín hiệu hồi sinh của một nét văn hóa đẹp. Điều đáng mừng hơn là trong số đó, số người trẻ càng ngày càng đông hơn.
Văn hóa vẫn “chảy” bằng những mạch nguồn riêng của mình. Bẵng đi trong một thời gian không ngắn, những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, người ta lại nói nhiều đến ông đồ sau nhiều năm quên lãng. Hôm nay nuối tiếc “Ông đồ” như Vũ Đình Liên hơn 70 năm trước có lẽ chỉ nói lên tâm niệm hoài cổ về một biểu tượng đẹp của văn hóa trong thời đã qua. Mặc dù chúng ta có thể rất quý ông đồ, rất trân trọng ông nhưng ông đồ đã thuộc về lịch sử. Ông có thời gian sống, có không gian sống của ông. Ông đồ là hình ảnh tượng trưng của một thời. Thời đó đã qua. Chúng ta trân trọng quá khứ nhưng cũng biết rằng không thể trở lại quá khứ cho dù nó rất đẹp. Nhưng hôm nay chúng ta rất thích thú khi nhìn những “ông đồ thời nay” mặc comple, thắt cravat, nghe điện thọai di động và múa bút lông...
Cũng đã có nhiều triển lãm, nhiều cuộc trình diễn được tổ chức cho các thư pháp gia trẻ thi triển, múa bút và những người yêu thích Hán - Nôm mong còn có đươc nhiều hơn. Hội Chữ xuân được mở trong không gian khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi tôn vinh sự học, nơi khuyến học, khuyến tài - là sân chơi đẹp và rộng rãi để các thư pháp gia giao lưu, học tập, trình diễn cũng là một cơ hội để mọi người được tiếp cận gần hơn và hiểu rộng hơn về một môn nghệ thuật độc đáo: Thư (mà) họa, kiểu cách mà thâm trầm, cao sang nhưng không xa cách, đầy quy phạm ràng buộc mà vẫn bay bổng, gợi nhiều hơn tả, cảm nhiều hơn thấy...
Từng bước một, nhưng chúng ta có thể hy vọng những điều tốt đẹp của môn nghệ thuật này phát triển trong tương lai.