Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều tạ thế: Khoảng lặng của nghệ thuật chèo

|

NDO - NDĐT - Giờ đây, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều đã rời cõi tạm để tiếp tục cuộc hành trình mới. Ở nơi đó, nhất định trong trái tim nhân hậu, mẫn tuệ của ông sẽ có khoảng lặng dành cho nghệ thuật chèo... Xin được thắp nén tâm nhang dâng lên người thầy của nghệ thuật chèo cách mạng.

Hoàng Kiều tên thật là Tạ Khắc Kế. Ông sinh ngày 12-4-1925 tại Hà Nội, trong gia đình tiểu tư sản thành thị.

Năm 1950, Hoàng Kiều được cử đi học chuyên ngành âm nhạc, khoa sáng tác tại Văn nghệ Học viện khu Trung Nam Trung Quốc. Cái khó nhất mà anh phải trang bị, đó là vốn tiếng Trung để theo kịp các bạn học người bản địa. Theo chủ trương đào tạo của Học viện, các sinh viên bất kể học khoa gì, đều phải học một nhạc cụ truyền thống và học thanh nhạc Trung Quốc. Đây là cách bảo lưu vốn âm nhạc truyền thống mà nước này đã áp dụng từ rất sớm. Suốt ba năm học tập ở nước ngoài, Hoàng Kiều luôn nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả tốt nhất.

Năm 1953, Hoàng Kiều về nước, ông nhận nhiệm vụ công tác tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Về tổ chèo, với cương vị phụ trách, được làm việc trực tiếp cùng các nghệ nhân, Hoàng Kiều thấy gắn bó rồi mê luôn thứ “đặc sản thuần Việt” này. Những kiến thức về âm nhạc chèo dần dần hiện ra khiến anh quyết định sẽ theo nghiệp chèo đến cùng.

Tổ chèo có nhiệm vụ hát chèo, diễn chèo, múa chèo để phục vụ cải cách ruộng đất. Bên cạnh những nghệ nhân gạo cội của ngành như Năm Ngũ, Dịu Hương, Năm Hảo, Cả Tam, là đội ngũ văn nghệ sĩ yêu nước cũng có mặt trong đoàn văn công Trung ương. Với lực lượng làm chèo mỏng, song lại là những nghệ sĩ có hạng của làng chèo nên vẫn cho ra đời những tiết mục chèo đề tài hiện đại, phục vụ việc tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đứng về phương diện nghệ thuật, hầu hết các vở đều ngắn, và mang dấu ấn của chèo cải lương.

Ngay từ những hoạt động đầu tiên của ông ở tổ chèo Đoàn văn công Trung ương mà cả đời ông không bao giờ quên, là khi đang diễn đoạn địa chủ, tay sai đến bắt nợ nhà chị Trầm (vở Chị Trầm), thì một anh du kích vác súng trường nhảy lên sân khấu. Rất may, Hoàng Kiều nhìn thấy, vội vàng ù té chạy. Dù sân khấu là bãi rộng ngoài cánh đồng, nhưng anh du kích vẫn vác súng đuổi theo…. Sau nhờ có du kích xã giải cứu, Hoàng Kiều mới lại được trở về “sàn diễn”. Nhưng ông rất vui, rất yêu nghề vì cũng từ đó, ông hiểu chèo hơn. Đến lúc đoàn dựng vở Chị Tấm anh Điền thì Hoàng Kiều đã thuộc lòng ngót 40 làn điệu cổ do các nghệ nhân chèo chọn lựa đưa vào vở.

Không chỉ học hát chèo, ông còn sáng tác múa chèo. Ông quan niệm trong chèo “hát thế nào thì múa thế ấy”. Tại Đại hội văn công toàn quốc cuối năm 1954, điệu múa Vui sản xuất do ông biên đạo và dàn dựng đã đoạt giải nhì. Điệu múa Trống ngũ lôi mà ông, cụ Năm Ngũ và cụ Hoàng Châu sáng tác được tặng giải ba. Cũng thời gian này, ông được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Năm 1956, Hoàng Kiều về công tác ở Hội Nhạc sĩ, rồi về trường âm nhạc làm phiên dịch tiếng Trung cho các chuyên gia thanh nhạc của Trung Quốc sang giảng dạy. Tháng 10 năm 1956, ông được điều về làm Trưởng Ban Nghiên cứu nhạc vũ nghệ thuật. Bốn cán bộ trong ban, dưới sự gợi ý nghiên cứu chuyên sâu do ông khởi xướng đã hoàn thành những công trình chuyên khảo có giá trị. Đó là hát Xoan của Tú Ngọc, hát Dậm Hà Nam của Sơn Tùng, hát Ghẹo của Đăng Hòe và hát chèo Tàu của Tân Huyền.

Dốc tâm huyết vào tìm hiểu ngôn ngữ âm nhạc chèo qua các làn điệu chèo cổ truyền, Hoàng Kiều cùng Bùi Đức Hạnh đã ghi âm các làn điệu chèo cổ. Ghi chép tỉ mỉ, phân tích cẩn trọng, cuối cùng, ông đã cùng nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ viết chung hai cuốn sách: Tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổTìm hiểu sân khấu chèo (1967).

Năm 1962, Nhà hát Chèo dựng vở Máu chúng ta đã chảy, đây là vở diễn mở đầu cho hướng làm chèo cải biên do tác giả kiêm đạo diễn Trần Bảng trực tiếp chỉ đạo, Hoàng Kiều viết nhạc. Mong muốn tìm ngôn ngữ phù hợp với hiện thực cuộc sống, nhưng vì phối khí, sáng tác quá nhiều khiến vở diễn đem lại cảm giác nặng nề, căng thẳng. Đến vở Súy Vân thì ông đã rút được kinh nghiệm. Phần âm nhạc của vở cho đến nay vẫn được giới chèo công nhận như một giá trị thuộc về nghệ thuật chèo truyền thống.

Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra miền bắc. Hàng nghìn tấn bom đạn đã rải xuống mảnh đất khu 4, nơi có những con đường huyết mạch. Song chính từ sự khốc liệt của chiến tranh, ông bỗng nhận ra biết bao tâm hồn cao đẹp. Chưa bao giờ ông lại say viết đến thế, và viết được nhiều vở trong thời gian ngắn như thế. Ban đầu là Bố con người gác đèn, rồi Những cô gái mặt đường, Giếng nước Ước mơ từ chức.

Năm 1969, Nhà hát chèo dựng vở Những cô gái mặt đường do ông viết kịch bản và âm nhạc, Trần Bảng đạo diễn. Suốt sáu tháng trời phục vụ các đơn vị thanh niên xung phong và các binh trạm, ở đâu, vở diễn cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng trong năm này, ông lại vào Trường Sơn lần thứ hai. Trở về Hà Nội, ông đã ý thức được việc viết kịch bản cho sân khấu chèo như thế nào? Âm nhạc ra sao? Làm thế nào để chèo phát triển ngôn ngữ phù hợp với thực tiễn đời sống?. Cùng nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, hai ông xuất bản cuốn sách Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ, rồi Tìm hiểu sân khấu chèo với mục đích giới thiệu nghệ thuật chèo đến đông đảo công chúng.

Làm Giám đốc Nhà hát Chèo, công việc quản lý đặt lên vai ông gánh nặng mà ông luôn cảm thấy đấy không phải sở trường của mình. Tuy vậy, đó cũng là quãng thời gian làm nghề mà ông chiêm nghiệm được nhiều bài học từ thực tế, cả thành công lẫn thất bại. Ông quyết định sẽ dồn toàn tâm cho cuộc đời nghệ thuật của mình vào nghiên cứu âm nhạc truyền thống - cái nôi sinh của âm nhạc chèo để tìm hiểu quy luật vận động của nó trong chu trình phát triển, tiếp biến văn hóa.

Năm 1971, ông về Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam, giữ chức Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng. Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội được thành lập; ông vừa dạy học vừa giữ chức Phó Hiệu trưởng từ năm 1978 cho đến lúc nghỉ hưu (1990).

Những bài học trên con đường đi tìm “chân lý nhạc chèo” của ông và đồng nghiệp đã trở thành kinh nghiệm quý báu để giờ đây, ông có thể yên tâm viết sách, viết những công trình lý luận đã được trải nghiệm bằng thực tiễn làm nghề. Với Các làn điệu chèo cổ, đặc biệt là Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền, có thể nói Hoàng Kiều đã dốc túi càn khôn tích lũy suốt mấy chục năm làm nghề, thể hiện sự uyên bác của một nhà dân tộc nhạc học qua những kiến thức về nhạc luật, ngôn ngữ học, dân tộc học, luật thi ca, dịch học, về lịch sử, phong tục… của dân tộc Việt.

Không thể liệt kê hết những tấm huân, huy chương, những giải thưởng, bằng khen mà ông vinh dự được Đảng, Nhà nước, giới nghề trao tặng. Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều thật xứng đáng với các danh hiệu “nhà giáo”, “nhà sáng tác”, “nhà chỉ huy”, “nhà nghiên cứu chèo”, nhà dân tộc nhạc học”, “nhà biên đạo”… mà bạn bè, đồng nghiệp, và học trò trân trọng dành cho ông.