Hà Nội tham vấn chuyên gia về phát triển công nghiệp văn hóa

|

NDO - Ngày 18-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước, quốc tế để xây dựng, hoàn thiện các chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa.

Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là hệ thống di tích, di sản, làng nghề và các bảo tàng, nhà hát, các đoàn nghệ thuật… trên địa bàn. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố vẫn chỉ ở mức độ sơ khai.

Tại buổi tọa đàm, ý kiến phát biểu tham luận của các đại sứ, chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra các tiềm năng, lợi thế, cũng như khó khăn, hạn chế; đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong giai đoạn tới.

 Những hạn chế đáng chú ý phải kể đến, như: Hà Nội chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết chuyên ngành hiệu quả cao; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý…

Đặc biệt, Hà Nội còn thiếu cơ chế đầu tư tài chính, thiếu một “hệ sinh thái” để công nghiệp văn hóa - sáng tạo phát triển. Đây là lĩnh vực mới mẻ nên cần chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là động lực mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; duy trì, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, tiêu biểu của nhân loại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo.

Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển.