Tháo gỡ cơ chế để các tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng

|

Năm 2020, có rất nhiều cuộc thi tài năng diễn viên trẻ ở các ngành kịch hát như: tuồng, chèo, dân ca, cải lương, kịch nói… được tổ chức. Những cuộc thi này đã giúp nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về lực lượng diễn viên trẻ cũng như có thể đưa ra các quyết sách để thu hút nhân tài cho nghệ thuật sân khấu. Phóng viên (PV) đã có cuộc trò chuyện với NSND TRỊNH THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam về vấn đề này.

PV: Qua các cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo, tuồng, dân ca vừa qua, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và nhiều nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch hát dân tộc đã khẳng định sự tin tưởng của mình vào thế hệ trẻ kế cận đã tiếp thu khá tốt nghệ thuật diễn xuất. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng, các tài năng trẻ hiện nay không xứng danh bằng những tài năng từng được tôn vinh ở các cuộc thi trước đây. Bà có thể lý giải ra sao về nhận định này?

NSND Thúy Mùi: Hiện nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường các cuộc thi tài năng diễn viên trẻ tuồng, dân ca, chèo và tiếp theo là cải lương, kịch nói. Phải khẳng định rằng, chúng tôi - những người trưởng thành từ nghệ thuật biểu diễn rất phấn khởi trước sự thể hiện của các diễn viên trẻ. Các em đã cho thấy sự chắc chắn về nghề, thậm chí đang giữ dàn chính cho các đơn vị nghệ thuật, hứa hẹn một lứa nghệ sĩ trẻ rất giỏi, có tài, có thể tiếp nối được thế hệ diễn viên đi trước, trong bối cảnh chúng ta đang có những hụt hẫng về diễn viên. Vì thế, tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề dựa trên nhận định có phần phiến diện là những tài năng ở các cuộc thi trước giỏi hơn, xứng đáng hơn. Riêng ở cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo mà tôi làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo chèo chẳng hạn, tôi thấy có năm, bảy thí sinh trẻ có trình độ và khả năng diễn xuất rất tốt, đạt tầm như thế hệ các anh, các chị lứa trước. Tôi khẳng định, các em không thua kém đàn anh đàn chị từng “đóng đinh” trong những vai diễn ngày xưa, thậm chí có những điểm các em còn tỏa sáng và hoàn hảo hơn lứa đi trước. Mặc dù trong các cuộc thi, các em vẫn còn dựa nhiều vào khuôn mẫu được thầy, bà truyền dạy, nhưng chính trong quá trình đào luyện sau này, những gì đã được tiếp thu sẽ là cơ sở để các em sáng tạo trong từng vai diễn.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần làm gì để các nghệ sĩ trẻ được tỏa sáng, giữ được vai trò chủ đạo trong nhà hát, thu hút được khán giả đến với nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng. Vì thế, không nên nhìn nhận, đánh giá thiếu chính xác về các diễn viên trẻ tài năng hiện nay. Bởi vì chúng ta đang so sánh giữa các diễn viên đã có quá trình, có thành tựu nổi bật ở nhiều vai với các em trẻ mới đặt những bước đi đầu tiên vào nghệ thuật, nhưng đã có những thành tựu đáng khích lệ. Các em bây giờ mới bắt đầu chặng đường nghệ thuật, cuộc thi mới là bước đầu chứ chưa phải là điểm chốt cho năng lực, tài năng cũng như quá trình nghệ thuật của các em.

PV: Có một thực tế là sân khấu truyền thống đang thiếu vắng khán giả, vị thế của sân khấu nói chung cũng đang bị đi xuống, không có nhiều sức ảnh hưởng, lan tỏa tới xã hội như trước. Có lẽ đó cũng là một phần khiến nghệ thuật sân khấu không đủ sức hút những người trẻ có thanh sắc cống hiến tài năng?

NSND Thúy Mùi: Sân khấu từng có giai đoạn đỉnh cao nhiều năm, duy trì được vị trí ảnh hưởng ở thời kỳ hoàng kim. Vậy nên, chúng ta đã chủ quan, bỏ qua khâu chăm sóc, tạo dựng thị trường khán giả. Có những loại hình nghệ thuật cần tới sự hiểu biết mới có thể yêu thích như nhạc thính phòng, như chèo tuồng... Song, trong một thời gian dài, chúng ta chỉ chú trọng tới học thuật, tới những điều cao siêu mà mai một dần sự quan tâm tới khán giả. Trong khi nghệ thuật sân khấu cố vươn tới các giá trị học thuật, tư tưởng có vẻ cao xa thì số đông khán giả ngày nay mong muốn đến rạp để thư giãn, giải trí, thưởng thức những câu chuyện dung dị, đời thường, cho nên đã tạo sự vênh lệch và như một quy luật tất yếu hay nói cách khác là sân khấu đang dần xa rời khán giả. Muốn trở lại vị thế xứng đáng, có những việc chúng ta cần bắt tay làm lại từ đầu. Sân khấu đã và đang cần có nhiều hơn những vở diễn phản ánh cuộc sống đời thường gần gũi, giúp khán giả có thể dễ cảm nhận, thấy hay, thấy hấp dẫn, có như vậy, họ mới đến rạp hay nói cách khác là cần dẫn công chúng từ hiểu tới yêu và đam mê.

Đáng tiếc là hiện nay có những bộ phận trong tổng thể hoạt động của ngành sân khấu thiếu sự gắn kết. Các lãnh đạo đơn vị, nhà hát, nhà quản lý chỉ mải lo làm đúng phần việc của mình mà không có sự thấu đáo, xuyên suốt để đánh giá về đội ngũ nghệ sĩ sân khấu, từ đó có những định hướng và hành động cần thiết, phù hợp thực tế để vực dậy hoạt động của các đơn vị và ngành sân khấu nói chung. Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu cũng rất trăn trở với các vấn đề bất cập và khó khăn của các nghệ sĩ, đơn vị, nhà hát, nhưng “lực bất tòng tâm” vì hội nghề nghiệp chỉ có chức năng định hướng chứ không thể ra quy định được. Cũng vì vậy, đã và đang có tình trạng trì trệ hoặc mạnh ai nấy làm mà thiếu sự hoạch định mang tính chiến lược, gây hậu quả là sân khấu ngày càng xa rời hiện thực, mất đi khán giả. Cũng vì thế, có một thực trạng là những người trẻ có năng khiếu diễn xuất lại không tha thiết lựa chọn theo đuổi nghệ thuật sân khấu. Hồi trước, khi còn làm giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi đã từng tham dự các đợt tuyển sinh của Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ngành kịch hát dân tộc, nhưng có khi cả đợt chỉ có 10 em dự thi, trong khi chỉ tiêu là 15 em, không lấy hết thì không đủ để mở lớp, lấy thì có những em rất thiếu tố chất, thiếu tiêu chí về chuyên môn. Vì thế, sau này nhà hát chúng tôi phải tự tuyển rồi gửi nhà trường đào tạo. Thế nhưng, không phải đơn vị nào cũng có đủ kinh phí để thực hiện cách làm như vậy.

PV: Với thực trạng nêu trên, theo bà, có định hướng và giải pháp nào để giải quyết?

NSND Thúy Mùi: Để giải quyết vấn đề không đơn giản. Các nhà quản lý phải nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn mới có được những định hướng chiến lược. Đó không phải công việc ngày một ngày hai. Thậm chí, muốn thu hút nhân tài, chúng ta cũng cần nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật, để các em nhìn vào thực tế người đi trước thì sẽ có thêm khả năng hấp dẫn được các em. Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người, đưa vào định biên… Như Ninh Bình và một số tỉnh đã làm được là có chế độ đãi ngộ hệ số hai lần lương cơ bản với các nghệ sĩ sân khấu, tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần ngọn. Mà quan trọng hơn, vẫn là tác phẩm hay, tác phẩm có sức sống trong xã hội, từ đó nâng cao về cơ bản vị trí cũng như mức sống cho nghệ sĩ. Được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn xứng đáng, mới là đòi hỏi chính đáng cần được đáp ứng của nghệ sĩ. Những thu nhập từ các đêm diễn mới đủ kích thích sự hưng phấn, lửa nghề với họ khi mức độ đãi ngộ tùy thuộc vào tài năng, vào sự cống hiến của mỗi cá nhân. Khi các em được tôn vinh trên sân khấu, sống hết mình với các nhân vật, sống trong sự yêu mến của khán giả, tự có được thương hiệu nghệ thuật riêng, đó mới là lực hút đủ mạnh để người tài đến với sân khấu. Hiện nay, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật vẫn bị khống chế chi tiêu, khống chế nhân sự, thậm chí không cho phép ký hợp đồng với các cá nhân, đây là điều rất bất hợp lý. Sân khấu là “bánh đúc bày sàng”, rất cần tới sự thanh xuân. Chẳng thế mà dân gian vẫn có câu “thầy già con hát trẻ”. Vì thế, cần sự tháo gỡ từ khâu tổ chức thì mới có thể thu hút diễn viên trẻ có tài gắn bó với nghệ thuật sân khấu đang trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

PV: Xin cảm ơn NSND Trịnh Thúy Mùi!