Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ

|

Không chỉ riêng nhà thơ Cu-ba Phê-lích Pi-ta Rô-đri-ghết mới cảm nhận như thế. Cả thế giới đều nhìn thấy ở Bác Hồ kính yêu của chúng ta một biểu tượng chói ngời của tinh thần độc lập dân tộc, một đỉnh cao văn hóa. Những ngày tháng 9-1969, mặc dù Việt Nam đang có chiến tranh, giữa hai phe TBCN và XHCN đang có cuộc đối đầu quyết liệt, cả thế giới đã nghiêng mình tiễn đưa và dành những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi một con người kiệt xuất, vượt cao hơn cả mọi sự kiện và trào lưu hiện tại.

Nhà báo Pét-ghi Đáp-phơ đã viết trên báo Diễn đàn, một tờ báo có uy tín ở Anh ngày 12-9-1969: "Hồ Chí Minh, một người vừa là G.Oa-sinh-tơn, vừa là A.Lin-côn của đất nước mình". Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn (1732-1799) là Tổng thống đầu tiên của Mỹ, người lãnh đạo nhân dân Mỹ giành được độc lập từ Anh. Còn A-bra-ham Lin-côn (1809-1865), Tổng thống Mỹ thứ 16, người được mệnh danh là Nhà giải phóng vĩ đại vì đã thống nhất nước Mỹ, chấm dứt chế độ nô lệ với Tuyên ngôn giải phóng nô lệ 1861.

Trong nước, cho đến nay, đánh giá của BCH T.Ư Đảng trong Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn trình bày trong Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 là một đánh giá thể hiện được tình cảm của toàn dân tộc, của thời đại và là ghi nhận của lịch sử đối với một nhà lãnh đạo đất nước vào thời kỳ khó khăn nhất nhưng cũng oanh liệt nhất trong lịch sử oanh liệt của dân tộc: "Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Một con người như vậy đã trở thành đề tài lớn cho văn học nghệ thuật, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, là điều rất dễ hiểu. Vì Người là Chân, Thiện, Mỹ. Người đậm đà dân tộc và cũng sâu sắc nhân loại.

Là tinh hoa của dân tộc, Người được ví với hoa sen, ngày nay được coi là "quốc hoa", trong câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang được dân gian hóa:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.

Người Mỹ la-tinh thì coi hoa huệ là loài hoa đẹp và cao quý nhất. Nhà thơ Bra-xin I-xma-lu-gô-mét-bra-ga, chưa từng biết câu thơ của Bảo Định Giang, đã có một so sánh giống nhau kỳ lạ, khi ví vẻ đẹp của Bác với sự trong suốt, thanh cao của bông huệ trắng:

Cuộc đời người như bông huệ trắng

Gương mặt càng ngắm càng trong...

Còn nhà thơ In-đô-nê-xi-a M.Đa-gi-ô trong so sánh ngọc - đá, đã có những câu thơ hay, càng đọc càng thấm thía, ca ngợi Bác Hồ, người mang vẻ đẹp bên trong của viên ngọc. Trước vẻ đẹp ấy, nhiều trang trí, giả tạm khác bỗng trở nên tầm thường, vô nghĩa:

Người không mang danh dự ghế suy tôn

Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa

Khi đức độ đã ngời như ngọc quý

Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm...

Tứ thơ đó cũng bắt gặp trong "Theo chân Bác" của nhà thơ Tố Hữu, khi nhìn thấy tầm cao của Người trong tầm cao của nhân dân, ngoài mọi hư vinh: Như đỉnh non cao tự giấu hình/ Trong rừng xanh lá ghét hư vinh...

Tố Hữu là nhà thơ viết nhiều nhất, thuộc những nhà thơ viết hay nhất về Bác Hồ. Vậy mà trong một lần tâm sự, ông vẫn thấy mình viết về Bác còn ít quá, vẫn còn chưa nói hết được sự vĩ đại và cao khiết của Bác, chưa nói được thật hay, thật đúng về tình cảm Bác dành cho non sông đất nước, cho con người. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã nhìn Bác bằng con mắt của người Việt Bắc: Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường và đi đến một khái quát đột khởi, lung linh Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người. Được làm việc lâu với Bác, nhà thơ thấy được Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. Và trên nền tình cảm gia đình ấy, Tố Hữu mới viết được câu thơ giản dị mà rung động sâu xa: Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ (Sáng tháng Năm). Bác Hồ là người của tình yêu thương. Đêm ngày, Bác đều nghĩ đến cái ăn, cái mặc của người dân. Khi đất nước còn chia cắt, lòng Bác còn đau từng khúc ruột, miền nam luôn ở trong tim Bác. Cho đến giờ phút lâm chung, Bác còn viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng" (Di chúc). Rồi chúng ta còn phải tìm hiểu vì sao Bác lại yêu thiếu nhi đến thế "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh (Thơ Bác). Sau khi Bác mất, Tố Hữu trở lại nhà sàn và thấy chồng thư của các em đang được Bác xem dở, nhà thơ đã bị lay động đến thảng thốt trước tình thương yêu mênh mông ấy của Bác:

Ô vẫn còn đây của các em

Chồng thư mới mở, Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm...

Chế Lan Viên trong một tứ thơ độc đáo viết về Bác trong tầm vĩ mô, tầm của một người đi tìm hình của nước, tức là tìm con đường giải phóng và thiết lập một xã hội mới. Dưới chế độ thực dân phong kiến khi mà đa số người, trong đó có tác giả, chỉ biết đến hạnh phúc trong sự yên ấm riêng. Nhưng khi đất nước còn nô lệ, ngay cả giấc mơ bé nhỏ ấy cũng không thể thành hiện thực, nó trở thành một giấc mơ tội nghiệp, trói con người vào sự nhỏ hẹp, tầm thường:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Trong khi đó, Bác luôn canh cánh bên lòng một nỗi niềm cứu quốc: Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa. "Hình nước" Bác tìm là độc lập; là hạnh phúc, là cuộc sống phải nở hoa trong mỗi ngôi nhà của toàn dân nước Việt: Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/ Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/ Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người.

Những câu thơ viết về Bác Hồ, nhiều nhất và xúc động nhất, không phải trên góc nhìn lãnh tụ, một người ở trên đỉnh cao của mọi đỉnh cao; mà trong cái nhìn gần gũi thân thương đối với người ông, người cha, người bác, người anh trong gia đình. Và đối với người Việt Nam, như thế mới thật sự bền lâu, thắm thiết. Nhìn mái tóc sớm bạc của Bác Hồ, Xuân Diệu biết nỗi lo dân, lo nước của Bác, bỗng ân hận cả vì lầm lỗi, những điều chưa phải của mình: Trên đầu tóc Bác sương ghi/ Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con. Nhà thơ Minh Huệ, tuy chưa gặp Bác lần nào, ở Khu Bốn được nghe cảnh vệ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh kể chuyện Bác Hồ đi chiến dịch, đã xuất thần viết được bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ". Qua những hình ảnh giản dị, thấy cả tình thương con cháu, tình thương sâu sắc vô hạn đối với con người của Bác: Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng.

Có người nước ngoài từng hỏi: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chiếm được cảm tình sâu sắc của nhân dân Việt Nam đến thế, thành một hiện tượng có một không hai trên thế giới?

Dĩ nhiên là vì sự hy sinh cả cuộc đời của Người cho dân, cho nước; vì những tư tưởng vĩ đại và đạo đức trong sáng của Người. Và phải chăng, chính bản chất người của Hồ Chí Minh mới là sự cảm hóa đến toàn nhân loại. Với người Việt Nam, ai cũng có một phần Bác Hồ; ai cũng mong muốn được noi theo Bác để trở thành một người Việt Nam hơn, trong sáng hơn, hữu ích hơn cho dân, cho nước.

Đó chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của Bác Hồ ta vậy.