“Làm mới” di tích
Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn có 12 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thời gian lùi xa, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di tích đã bị “san phẳng”. Khi Nhà nước đầu tư cho tỉnh dự án tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn di tích, nhưng việc thực hiện thiếu thận trọng nên nhiều di tích được phục hồi theo kiểu làm mới.
Điển hình là di tích lịch sử cấp quốc gia Khuổi Linh (nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng từ tháng 8-1950 đến tháng 2-1951) ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn khi được đầu tư tôn tạo, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã xây mới hầm trú ẩn, trên mặt hầm được làm mái kiên cố; nền, cột, kèo, dui, mè của lán hội trường, lán cảnh vệ thời kháng chiến đều được làm bằng... bê-tông, cốt thép. Đường dẫn lên Khuổi Linh trước đây là đường mòn, nhưng những người tu bổ đã “sáng tạo” bằng cách hạ thấp bề mặt, thậm chí lát đá, giật cấp thành nhiều bậc.
Một di tích lịch sử quan trọng vào bậc nhất của tỉnh như Khuổi Linh, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để tôn tạo nhưng đến nay ngành văn hoá của tỉnh không làm được biển giới thiệu về di tích.
Di tích lịch sử cấp quốc gia “Chiến thắng đèo Giàng”, nơi quân và dân ta làm cho thực dân Pháp bị tổn thất nặng khi tổ chức chặn đánh đoàn xe cơ giới của địch rút từ Cao Bằng về Bắc Cạn trên đường số 3 năm 1947. Khi tôn tạo, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã làm mới bức phù điêu bằng đá dưới sườn núi trên đỉnh đèo Giàng ngay tại đoạn quanh cua nguy hiểm nên không ai dám ngước nhìn; bức phù điêu bị hoen ố, không biết trên đó khắc gì. Khu vực đặt bức phù điêu dưới sườn núi không được quét dọn thường xuyên, cây dại mọc um tùm.
Đó chỉ là hai trong số nhiều di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh khi được đầu tư tôn tạo không giữ được tính nguyên gốc, bị xâm hại nghiêm trọng do trùng tu, khôi phục.
Quản lý kém, không phát huy giá trị
Thực tế cho thấy những di tích quan trọng bậc nhất trên địa bàn tỉnh rất ít du khách tham quan, tìm hiểu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đáng buồn như thế, là do tính chân thực của di tích đã không được tôn trọng trong quá trình trùng tu tôn tạo.
Mặt khác, công tác quản lý đang có nhiều bất cập. Như Động Áng Tòng nằm sâu trong lòng núi, ngay sau khi được phát hiện đã bị xâm hại rất nghiêm trọng, nhưng sau đó tỉnh Bắc Cạn vẫn làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng danh thắng cấp quốc gia. Không quản lý được danh thắng này nên cơ quan chức năng đã cho lấp cửa hang, làm di tích “chết” ngay sau khi được xếp hạng cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá các di tích rất hạn chế. Các di tích hiện nay đều không có hướng dẫn viên, thậm chí nhiều di tích không có cả biển ghi xuất xứ di tích. Nếu có biển hướng dẫn thì được thực hiện rất cẩu thả, thí dụ di tích lịch sử Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn bị khắc sai thời gian diễn ra sự kiện. Điều đó cho thấy tinh thần, thái độ của những người làm công tác quản lý di tích trên địa bàn.
Việc bảo vệ, trông coi cũng đang có nhiều bất cập. Hầu hết các di tích chưa được khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có người bảo vệ chuyên trách dẫn đến tình trạng bị xâm hại dưới nhiều mức độ khác nhau.