Những bức ảnh của yêu thương và nghị lực

|

Những ngày cuối năm 2021, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hai buổi triển lãm kết hợp giới thiệu sách ảnh "Chúng tôi là Việt Nam" và "Sài Gòn ngoan cường" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á. Hai cuốn sách ảnh đã ghi lại hàng trăm khoảnh khắc, hàng nghìn gương mặt mang những giá trị hiện thực và vẻ đẹp nhân văn.

Tại lễ khai mạc triển lãm ở Hà Nội (ngày 17/12), Nguyễn Á bày tỏ rằng có thể những bức ảnh này chưa hoàn toàn đạt yêu cầu về mặt nghệ thuật nhưng đã phản ánh chân thực một phần cuộc sống và tôn vinh những con người truyền cảm hứng. Trong cả hai dự án của anh, chất báo chí song hành với tính nghệ thuật, trong một mục đích hướng tới cộng đồng. Hai cuốn sách đều có độ dày hơn 500 trang, được trình bày bằng song ngữ Việt-Anh, để độc giả cả trong nước và nước ngoài có thể tiếp cận, hiểu được những thông điệp qua ảnh.

"Chúng tôi là Việt Nam" là chân dung của 125 phụ nữ Việt Nam và phụ nữ nước ngoài gắn bó với Việt Nam, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, được cộng đồng ghi nhận. Trong số đó, có những người từng là lãnh đạo cấp cao như bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, đều là nguyên Phó Chủ tịch nước; bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao… và nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân tài năng có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Và cũng có cả những con người bình dị, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, đã và đang âm thầm cống hiến cho đời. Có thể kể đến bà Trần Thị Kim Thia ở Ðồng Tháp, người dành gần 20 năm dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn trẻ em vùng sông nước; chị Ðỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chị Nguyễn Thị Vân, một bệnh nhân teo cơ tủy sống đã sáng lập và điều hành Trung tâm Nghị lực sống để giúp đỡ những người không may khác...

Những người phụ nữ trong ảnh của Nguyễn Á có thể là bất cứ ai, một trí thức mang đam mê nghiên cứu và sáng tạo mỹ thuật như PGS, TS Trang Thanh Hiền, hay là một hoa hậu được yêu mến không chỉ bởi vẻ đẹp ngoại hình mà còn cả lối sống khiêm nhường và tinh thần thiện nguyện như H’Hen Niê... Họ đến từ mọi miền trên đất nước. Ống kính máy ảnh Nguyễn Á ngược lên vùng cao nguyên đá xa xôi Hà Giang ghi lại hình ảnh cô giáo Vũ Thị Trinh chăm sóc các em học sinh dân tộc thiểu số; lặn lội về đại ngàn Tây Nguyên theo chân những buổi gìn giữ an ninh khu phố cùng trung tá Ksor H’Bơ Khăp; đến TP Hồ Chí Minh nơi sư cô Thích Nữ Nhuận Bình cần mẫn chăm sóc bệnh nhân với tâm niệm "Hãy sống như ngày mai là ngày cuối trong đời"... Cuốn sách ảnh về những phụ nữ có tài, có tâm trên đất Việt đã được Nguyễn Á ấp ủ suốt 10 năm. Và vẫn còn nhiều hình ảnh, câu chuyện khác sẽ tiếp tục được tôn vinh trong tập 2, dự kiến ra mắt trong năm sau.

Còn "Sài Gòn ngoan cường" là cuốn sách ảnh thứ hai về đề tài Covid-19, sau cuốn "Tinh thần Việt Nam và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19" (tháng 9/2020) của Nguyễn Á. Cuốn sách bắt đầu với mốc thời gian là 0 giờ ngày 9/7/2021. Theo trình tự thời gian, có gần 30 chuyên mục được tác giả ghi nhận: Xét nghiệm nhanh-truy vết F0; chung tay vì cộng đồng; hiến máu cứu bệnh nhân; người dân về quê tránh dịch; tiêm chủng phòng dịch, điều trị F0; công tác an sinh xã hội; các lực lượng chuyên biệt trong đại dịch; Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ-chiến sĩ hy sinh trong đại dịch... Sau hàng trăm bức ảnh kèm thông tin chi tiết về những tháng ngày gian nan và kiên cường, mất mát và hy vọng… trong đại dịch, sách được khép lại bằng chùm ảnh tươi sáng, lạc quan của "Những hoạt động bình thường mới", như hình ảnh nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Ái chơi đùa bên con trai nhỏ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sau thời gian giãn cách xã hội, hay một đám cưới "hậu Covid" đặc biệt ở đường sách Nguyễn Văn Bình-nơi đôi uyên ương nhận sách thay cho phong bì chúc phúc...

Xem ảnh, độc giả có thể lặng người bởi thấy chính mình, thấy gia đình hay người thân trong những khoảnh khắc đó. Nguyễn Á cho biết, mặc dù chụp được rất nhiều ảnh nhưng anh phải chọn lọc kỹ để đưa ra những câu chuyện tích cực, cảm động, chạm tới trái tim người xem mà không quá bi lụy. Ðồng thời, qua đó còn gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc đến những cống hiến, hy sinh của các y sĩ, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng như sự động viên, giúp đỡ của người dân cả nước. Bên cạnh những thời khắc khó khăn, những khung cảnh đau thương, vẻ đẹp của lòng dũng cảm và tình đoàn kết vẫn ngời lên lấp lánh. Hàng chục nghìn tình nguyện viên, sinh viên các trường đại học, công an, bộ đội... từ các tỉnh phía bắc đã lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ, không ngại gian khổ, hiểm nguy. Họ góp phần mang đến sức mạnh và truyền cảm hứng sống đẹp.

Có mặt tại buổi triển lãm và ra mắt sách ảnh ở TP Hồ Chí Minh (ngày 25/12), nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ cảm tưởng đầy xúc động: "Nguyễn Á là nhiếp ảnh gia có tâm. Anh xung phong vào một trận đánh mà kẻ thù là vô hình, chưa có vũ khí chống lại nó... để có được những tấm ảnh ghi lại lịch sử. Những bức ảnh của Nguyễn Á khiến chúng ta biết những hy sinh thầm lặng và biết trân trọng ngày hôm nay". Còn dịch giả Minh Thu, người chuyển ngữ hai cuốn sách sang tiếng Anh, chia sẻ rằng bản thân cũng được truyền cảm hứng từ từng nhân vật khi đọc và dịch những câu chuyện bằng ảnh, mong cuốn sách sẽ góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Hai cuốn sách với đề tài và quá trình thực hiện khác nhau, một cuốn dày công suốt 10 năm, một cuốn chỉ trong 6 tháng, nhưng điểm chung là sự dấn thân và lao động sáng tạo công phu của tác giả, cùng mang đến cho người xem nguồn năng lượng tích cực, ấm áp ■

Hải Lâm