Tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc

|

NDO - NDĐT - Là một giáo viên nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, phải tùng tiệm trong cuộc sống, nhưng với sự trân trọng, đam mê hát then, đàn tính, tín ngưỡng của dân tộc Tày, nhiều năm qua ông đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Khôi phục hát then

Trong căn nhà khiêm nhường ở thôn Phiêng Dường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn), chúng tôi thấy ông Ma Văn Vịnh là người yêu thích và trân trọng hát then, đàn tính. Bằng khen, giấy khen, đàn tính, trang phục biểu diễn được ông treo ở những vị trí trang trọng.

Là giáo viên nghỉ hưu hơn 20 năm, nay đã hơn 70 tuổi đời, không muốn an nhàn như nhiều người khác, mà những năm qua ông luôn trăn trở với bản sắc văn hóa của dân tộc Tày đang bị phôi phai trong chính cộng đồng dân tộc Tày. Ông tâm sự: “Hát then là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Cạn và các tỉnh miền núi phía bắc, làm nên tính đa dạng của văn hóa các dân tộc nước ta. Đáng mừng là trong những năm qua kinh tế ở địa phương có bước phát triển, đời sống nhân dân ba xã vùng cao huyện Chợ Mới là Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư được cải thiện rõ rệt, nhưng cũng buồn vì nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày nơi đây là hát then, đàn tính, tín ngưỡng của dân tộc Tày đang dần “biến mất” khỏi đời sống cộng đồng”.

Đau đáu với bản sắc văn hóa dân tộc đang dần bị mai một, dù cuộc sống không dư dả, nhưng hằng tháng có lương ổn định, sẵn có hiểu biết của một giáo viên và yêu thích hát then, đàn tính nên sau khi nghỉ hưu, ông Vịnh âm thầm tìm đến các nghệ nhân hát then cao tuổi trong vùng để sưu tầm các bài then cổ.

Sưu tầm được bài nào, ông cẩn thận ghi chép lại, tỉ mẩn dịch ra tiếng Việt sao cho thật sát nghĩa. Sau nhiều năm tự mình kiên trì làm những việc như thế, cuối cùng ông thuê người đánh máy, kết quả là đóng thành bốn tập khổ giấy A4 dày dặn.

Ông cho rằng, việc sưu tầm những bài hát then cổ là cần thiết, vì các nghệ nhân cao tuổi biết hát then càng ngày càng ít đi, nếu không sưu tầm, biên chép lại và truyền cho thế hệ trẻ thì hát then sẽ bị mai một, dần dần mất đi, lúc đó văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ bị lãng quên trong đời sống cộng đồng làng xã.

Ông Vịnh cũng là người “đặt” lời, sáng tác nhiều bài hát then mới ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, hát về cây chè tuyết, quê hương Yên Cư đổi mới được nhiều người thuộc, hát trong các dịp hội xuân, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Tự đánh giá việc sưu tầm then cổ đã hòm hòm, ông lại âm thầm tìm hiểu những người biết hát then ở ba xã vùng cao Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, vận động họ tham gia hát then, đàn tính mỗi dịp có sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Để “chính danh”, năm 2008 ông Vịnh tham mưu cho chính quyền xã Yên Cư ban hành quyết định thành lập “Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh” do chính ông làm chủ nhiệm.

Ban đầu, câu lạc bộ tập hợp hơn mười nghệ nhân hát then ở các xã Bình Văn, Yên Hân và Yên Cư, nhưng do ban chủ nhiệm tích cực vận động và thấy rằng câu lạc bộ hoạt động rất trong sáng, được chính quyền ủng hộ, nhân dân trong vùng hoan nghênh, khuyến khích nên đến nay câu lạc bộ có gần 40 thành viên, trong đó có hàng chục người tuổi đời còn rất trẻ.

“Câu lạc bộ được hình thành, phát triển bằng sự yêu thích và niềm đam mê hát then, đàn tính của các thành viên. Mặc dù trong những năm qua không có bất kỳ một khoản thù lao nào, nhưng câu lạc bộ vẫn hoạt động đều để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tập luyện cho giọng hát thêm mượt mà, tiếng đàn thêm thuần thục ngọt ngào nên được nhân dân đón nhận” - ông Vịnh cho biết.

Với mong muốn bảo tồn hát then nên câu lạc bộ rất tích cực dậy hát, dạy đánh đàn tính cho thanh, thiếu niên. Bản thân ông Vịnh đã truyền sự đam mê hát then của mình cho nhiều cháu ở bản Phiêng Dường nơi ông cư trú. Với sự kèm cặp của ông Vịnh mà tiếng đàn, lời hát của Ma Thị Hậu, Ma Thị Chiêm, Ma Thị Niên... nay đã trở nên thuần thục, đằm thắm, ngân nga.

Ông Vịnh rất vui khi đã “đào tạo” được những người hát then trẻ tuổi, bởi ông cho rằng, các bạn trẻ sẽ là những nhân tố tích cực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này ở vùng cao. Tối đến ở Phiêng Dường thật thanh bình, trong những ngôi nhà sàn lộng gió, thấy vang vọng nhiều giọng hát then trong tiếng đàn tính ngân nga lúc trầm, lúc bổng của những nhóm thanh niên nam nữ.

Mỗi khi có hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương, lễ hội đầu xuân hằng năm ở các địa phương trong huyện, Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh do ông Vịnh đứng đầu lại sôi nổi luyện tập, dập dìu chuẩn bị áo mũ đi biểu diễn. Từ 15 năm qua, hai năm một lần, ông Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh luôn đồng hành cùng với đoàn tỉnh Bắc Cạn đi biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các tỉnh miền núi phía bắc.

Ông Vịnh còn làm “đạo diễn” để câu lạc bộ dàn dựng tiết mục “cấp sắc”, bỏ tiền túi thuê thợ quay camera, dựng thành băng đĩa hình. Sau đó ông xin phép cơ quan có thẩm quyền để in sao ra nhiều đĩa hình đưa đi các hội xuân, chợ Tết ở địa phương vừa bán, vừa cho những người yêu thích hát then nhằm phổ biến, bảo lưu loại hình nghệ thuật này trong xã hội.

Dù đôi lúc cũng bận với mưu sinh hằng ngày, nhưng với niềm yêu thích và đam mê hát then chưa bao giờ vơi cạn, ông Vịnh vẫn dành thời gian trồng bầu để lấy những quả già, đẹp, tròn làm đàn tính. Đến nay ông không nhớ đã làm bao nhiêu chiếc đàn tính, ai hỏi mua thì ông bán, có khi bán rẻ, tiền bán đàn không đủ bù đắp công sức làm ra, thậm chí có người đam mê thật sự thì ông tặng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay, người trồng bầu để làm đàn tính như ông Vịnh là rất hiếm.

Bảo tồn tín ngưỡng dân tộc Tày

Đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày rất phong phú và sinh động. Tuy nhiên, ông Vịnh chia sẻ: “Người Tày có những bài cúng rất cụ thể, giàu hình ảnh, thấm đậm tính nhân văn, triết lý nhân sinh, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên. Nhưng trong những năm gần đây, tôi thấy trong đời sống tín ngưỡng của bà con, đặc biệt là các gia đình trẻ không bảo tồn được những nét đặc sắc của ông cha. Ấy là trong những ngày mà người dân tộc Tày coi là trọng đại, như đón năm mới, mừng nhà mới, lễ đầy tháng, việc hiếu, việc hỷ, Tết Thanh minh... các gia đình người dân tộc Tày đều làm mâm lễ dâng cúng tổ tiên, nhưng mà khấn vái không theo bài bản nên không thể hiện được lòng thành kính, tâm nguyện của mình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ”.

Trước thực trạng đó, ông Vịnh lại tự cho mình phải có trách nhiệm sưu tầm, dịch ra tiếng Việt những bài cúng của tổ tiên rồi thuê đánh máy, lấy ý kiến đóng góp của những người được cho là am hiểu, cao tuổi trong vùng, rồi chỉnh sửa cho chuẩn xác, năm 2014 được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin thẩm định, in cuốn “Văn hóa tín ngưỡng Tày: Các bài cúng cho chủ hộ, chủ họ, nghi lễ then tảo mộ”.

Cuốn sách dày 355 trang, chứa đựng giá trị nhân văn, nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Tày được ông Vịnh công phu trong nghiên cứu, sưu tầm một cách rất cẩn trọng, trong sáng nên bước đầu được nhiều người đón nhận.

Với những việc làm tự nhiên của ông Vịnh, một số tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày bước đầu được khôi phục ngay tại làng xã ông sinh sống; hoạt động của Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh đến nay đã “ăn sâu”, “bám rễ” một cách tự nhiên trong đời sống văn hóa của ba xã vùng cao Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư. Như thế, ông Vịnh đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh.