Ấm áp hương vị Tết cổ truyền

|

Năm nay, giữa tiết trời se lạnh đầu Xuân, Tết Hà Nội dường như đậm đà hơn khi nhiều không gian văn hóa cổ truyền được tạo dựng, trở thành những địa chỉ du xuân lý tưởng. Mạch nguồn truyền thống, vốn là nền tảng góp phần tạo dựng nên cốt cách thanh lịch của người Tràng An qua nhiều năm tháng dường như rõ ràng cụ thể hơn với nỗ lực kiếm tìm, phục dựng những vốn quý văn hóa của mảnh đất kinh kỳ…

Những không gian nâng niu vốn cổ

Có đến chục ngày, Hà Nội bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường. Nhộn nhịp, ồn ã thường ngày như gấp lại. Tết là dịp người Tràng An quay về nhịp sống thư thái, lắng đọng cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẫn là điểm đến thu hút hàng chục nghìn người dân Hà Nội vào dịp Tết. Đã từ lâu, xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa được người Hà Nội gìn giữ như một tâm niệm về truyền thống hiếu học, coi trọng tri thức và cũng là ước vọng về một năm mới tài lộc, nhiều may mắn. Năm nay, Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 và triển lãm thư pháp mang chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” tiếp tục được tổ chức tại Hồ Văn. “Phố ông đồ” thu hút khoảng 100 nhà thư pháp đến từ 13 câu lạc bộ (CLB) thư pháp tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố với những bức thư pháp nghệ thuật đẹp, bay bổng được trưng bày. Năm nào cũng vậy, gia đình anh Nguyễn Mạnh Tuân (ở Thanh Trì, Hà Nội) cứ đến ngày mồng 3 Tết lại tới đây. Anh Tuân tâm đắc: “Tôi xin chữ Thọ, chữ An để tặng ông bà. Xin chữ Tài và Lộc cầu mong may mắn cho công việc của hai vợ chồng. Xin chữ Tuệ cho con gái để cầu chúc cho cháu một năm học hành hanh thông, trí tuệ. Tết nào cũng thế, việc xin chữ được cả gia đình xem là một khởi đầu may mắn cho 365 ngày phía trước...”.

Tôn vinh các giá trị truyền thống cũng là dòng mạch khơi gợi nhiều xúc cảm tại các không gian văn hóa khác được tạo dựng giữa lòng Hà Nội. Tết Việt tại Bảo tàng Hà Nội là một không gian như thế. “Chúng tôi đến đây còn để được đắm chìm trong những làn điệu ca trù cổ, đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thiết nhạc, Chúc hỗ, Mưỡu nói Hồ Tây, Thăng Long thành hoài cổ..., có đến mấy chục năm rồi, giờ mới được nghe lại”. Đó là lý do lôi cuốn gia đình bà Đặng Thị Kim từ phố Ngọc Khánh tìm đến Bảo tàng Hà Nội những ngày giáp Tết. Gương mặt hằn nếp thời gian của bà trở nên thư thái giữa những thanh âm, nhịp điệu gợi nhớ tháng ngày đã rất xa xưa. Mong muốn giới thiệu đến công chúng Thủ đô một loại hình nghệ thuật truyền thống mới được khôi phục sau nhiều năm thất truyền, CLB hát Trống quân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) mang đến Tết Việt một món ăn tinh thần đậm hương sắc ngày xuân. Với nhiều người, đây là một trong những lần hiếm hoi được thưởng thức và sống cùng hơi thở mộc mạc của các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, để cảm nhận nhiều hơn những mảng mầu phong phú trong ngày Tết cổ truyền.

Chậm rãi bước chân đến từng gian hàng tôn vinh các giá trị truyền thống, bà Nguyễn Thị Bảy (ở phố Hàng Đào, Hà Nội) bất giác nhớ lại những phiên chợ Tết Hà Nội xưa. Chợ Tết nào cũng đậm đà hương sắc. Người đi chợ không chỉ mua đồ mà chủ yếu để vui chơi, ngắm nhìn cho thỏa thích. Lâu lắm rồi bà mới có cơ hội được sống trong một không gian Tết có hơi hướng hoài niệm như thế. “Cảm giác như có một dòng chảy xuyên suốt từ truyền thống đến hiện đại khi nhìn những đứa trẻ đang ngồi thưởng thức ca trù, hát trống quân... Nếu không có những không gian đặc sắc như thế này thì có lẽ, hiếm có cơ hội để người Hà Nội hôm nay cùng được sống lại trong những giá trị văn hóa cổ truyền vô giá đó”, bà Bảy chia sẻ.

Không gian văn hóa Tết truyền thống được tạo dựng tại Hội xuân ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng là một trong những điểm đến thú vị cho người Hà Nội dịp năm mới. Một bầu không khí đậm chất cổ truyền được tái hiện chân thực, sinh động ngay giữa lòng khu di sản thế giới. Từ nếp nhà lá đơn sơ của những gia đình nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ với lúa, ngô và những khóm chuối quanh nhà; đến nụ cười cô thôn nữ với gánh nước nhỏ ven đường dịu dàng mời khách. Cả những gánh hàng hoa ngày Tết rộn ràng ra phố, những không gian trưng bày về các phiên chợ Tết Hà thành xưa... Còn ở Bảo tàng Dân tộc học, chương trình Khám phá Tết cổ truyền cũng thu hút rất nhiều gia đình người Hà Nội. Lũ trẻ háo hức tham gia gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh dân gian, tô vẽ tranh 12 con giáp và các trò chơi đánh đu, kéo co, nặn tò he... Nhiều nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền được tái hiện như trình diễn nghệ thuật, ẩm thực mang đậm hơi thở núi rừng Tây Nguyên hay các màn trình diễn múa tứ linh, chơi pháo đất, múa sạp, trò chơi dân gian của các vùng miền... cũng là những “đặc sản” văn hóa thết đãi công chúng Thủ đô những ngày đầu xuân.

Tích cực xã hội hóa vì cộng đồng

Trong số hàng chục không gian văn hóa hoài niệm được tổ chức tại Hà Nội dịp Tết này, có không ít những mô hình, không gian trải nghiệm được thực hiện bởi những con người nặng lòng với vốn cổ ông cha. Xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức là cách thức được nhiều người lựa chọn. Có thể kể đến nhóm cộng đồng mạng Đình làng Việt với không gian Tết Việt được tổ chức tại Đình So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt chia sẻ: “Tết Việt là sự kiện kết nối cộng đồng trong một không gian truyền thống của ngôi đình làng Việt; qua đó gửi gắm thông điệp về tình yêu đối với các di sản văn hóa dân tộc. Không gian mộc mạc, thấm đẫm hương Tết xưa đã để lại dấu ấn không chỉ với các thành viên trong nhóm mà còn mang đến ấn tượng đặc sắc với những người dân xứ Đoài”. Để có được một Tết Việt dưới mái đình làng, những người trẻ đã chẳng ngại ngần gác lại những bận rộn riêng tư, tham gia kêu gọi, vận động cộng đồng cùng đóng góp các giá trị vật chất và tinh thần để tái hiện một cái Tết đẹp đẽ mang những phong vị xưa cũ, đậm đà. Sự kiện đã được sáu họa sĩ nổi tiếng tặng tranh để bán đấu giá lấy kinh phí tổ chức. Hơn 30 triệu đồng thu được nhờ việc bán tranh và tiền đấu giá cuốn sách Đình làng châu thổ Bắc Bộ, cùng với tiền đóng góp 500.000 đồng/người từ các thành viên nhóm Đình làng Việt đã giúp họ có kinh phí tổ chức. Trình thức Hát cửa đình của người Việt xưa do CLB Ca trù Hải Phòng trình diễn; các hoạt động dựng cây nêu ngày Tết, gói bánh chưng, nấu chè kho, sắp đồ lễ, viết thư pháp... được tái hiện một cách chân thực, sống động. Lâu lắm rồi, đình làng mới lại trở thành một không gian sinh hoạt công cộng đúng nghĩa. Còn ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ trên phố Đào Duy Từ, những ngày Xuân mới càng chật chội hơn khi người Hà Nội rủ nhau tìm đến chiêm ngưỡng những tinh hoa của các dòng tranh dân gian truyền thống. Nét Xuân ngay giữa phố cổ là triển lãm đầu tiên quy tụ đầy đủ cả bốn dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình. Ngoài hơn 200 tác phẩm trưng bày bao gồm cả bản khắc, bản in, còn có thêm hai dòng tranh khá đặc biệt là tranh kính Nam Bộ và tranh thờ của người Dao. Điều đáng nói, triển lãm độc đáo này cũng là một trong những hoạt động xã hội hóa. Bên cạnh việc dày công đầu tư công sức và kinh phí để sưu tầm tác phẩm của các dòng tranh dân gian nổi tiếng, nhà sưu tập Thu Hòa còn nỗ lực phục hồi lại một số bản khắc của làng nghề Kim Hoàng, dòng tranh được xem là bị xóa sổ lâu nay vì không còn nghệ nhân, ván khắc. Nhằm tôn vinh những giá trị của các dòng tranh dân gian, triển lãm được tổ chức đồng hành với nhiều hoạt động khác như hoạt động vẽ tranh kính Nam Bộ; chương trình trải nghiệm in, vẽ tranh dân gian...

Với nhiều người Hà Nội, nói đến những khắc khoải tìm về hoài niệm mà thiếu Xẩm Hà thành thì sẽ là vô cùng thiếu sót. Xẩm Xuân 16, đêm nhạc đậm hơi hướng cổ do những con người tâm huyết với loại hình âm nhạc dân tộc này thực hiện đã chẳng uổng phí khi trong tiết trời đông giá lạnh, khán phòng không chỉ rực thắm sắc hoa đào mà còn trở nên ấm nóng với những bài xẩm cổ truyền, các ca khúc mang chất liệu xẩm, dân gian hay những bài xẩm mang hơi thở đương đại. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người luôn đau đáu, hết lòng với Xẩm bộc bạch, cảm xúc của ông như vỡ òa khi thấy ngày càng nhiều khán giả dành tình cảm đặc biệt với loại hình nghệ thuật dân tộc này…

Chứng kiến những mô hình, không gian văn hóa truyền thống tổ chức nhân dịp Xuân mới được đông đảo công chúng đón nhận, nhiều nghệ sĩ gắn bó với Hà Nội nghìn năm văn hiến tin tưởng rằng, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc phục dựng, lưu giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống tưởng chừng đã vơi cạn qua thời gian. NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội không khỏi xúc động khi chứng kiến khán giả chật kín sân khấu xem biểu diễn ca trù cổ tại Bảo tàng Hà Nội: “Từng có giai đoạn số người xem ca trù ít hơn số người biểu diễn, ca trù cổ càng hiếm người nghe. Nhưng bây giờ, chứng kiến người dân ở mọi lứa tuổi đã yêu mến nhiều hơn loại hình nghệ thuật này, những nghệ nhân chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để tiếp tục giữ gìn, khơi dậy, làm tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông”.