Với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng, công trình Phu Văn Lâu sẽ được trùng tu, phục hồi lại nguyên trạng di tích bao gồm: nền móng, hệ khung gỗ và giàn mái, vách đố bản sơn vàng ở tầng hai, cùng các họa tiết chạm khắc trang trí thếp bạc phủ kim hoàn; mái lợp ngói âm dương men vàng và trang trí réo mái (mái cong).
Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết: Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 17 (1818). Công trình có chức năng là nơi niêm yết những chiếu thư, chỉ dụ quan trọng của Hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn, cũng là nơi công bố kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Ngoài ra, dưới các triều vua nhà Nguyễn đều chọn địa điểm này để tổ chức các cuộc vui chơi, yến tiệc trong dịp khánh thọ của mình. Sau gần hai thế kỷ tồn tại, Phu Văn Lâu đã trở thành là một chứng nhân của lịch sử dân tộc và là một trong những biểu tượng văn hóa của cố đô Huế. Nơi đây thường xuyên được tổ chức các hoạt động lễ hội, Festival quốc tế, chợ hoa xuân hàng năm…
Hiện trạng di tích Phu Văn Lâu.
Phu Văn Lâu nằm trên trục dũng đạo, trục chính của Hoàng Thành Huế. Từ Kỳ Đài nhìn ra sông Hương, có hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của Kinh Thành Huế. Một trong hai công trình ấy là Phu Văn Lâu (phu: trưng bày; văn: văn thư; lâu: lầu - cái lầu trưng bày văn thư của triều đình). Công trình còn lại là một tiểu đình nằm kề bên sông Hương gọi là Nghinh Lương Ðình. Cùng với quần thể di tích Cố đô Huế, Phu Văn Lâu với những giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhất là giai đoạn từ 1945 đến nay, Phu Văn Lâu đã xuống cấp đến mức nguy hiểm. Đặc biệt, trong ngày 15-5-2014, một góc mái phía Đông Bắc đã bị sụp đổ. Hiện tại, công trình đang trong tình trạng chằng chống tạm bằng hệ thống trụ sắt và giàn giáo, rất nguy hiểm cho khách tham quan.
Từ các nguồn tư liệu ảnh và bản vẽ ký họa thể hiện qua các giai đoạn trùng tu, đợt này, công trình Phu Văn Lâu sẽ được thực hiện theo hình thức kiến trúc và trang trí thời Khải Định - giai đoạn lịch sử gần nhất dưới triều Nguyễn mà trước đó công trình đã tồn tại với đầy đủ yếu tố cầu thành của di tích, gồm: mái ngói lợp âm dương, mái cong và hình thức mặt đứng kiến trúc tầng 2.