Tập sách“Có gì sau phía chân trời” do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh in và phát hành đầu năm 2024, là kết quả của hành trình Nguyễn Trí Thông đi vòng quanh 4 châu lục lớn, đến 23 quốc gia trong 7 tháng trời. Một con số đáng mơ ước của tất cả giới mê xê dịch! Tuy vậy, tác giả vẫn khiêm tốn thừa nhận mình chỉ là “một gã trung niên lang thang muôn dặm, một con gà công sở kinh điển, trải nghiệm lăn lộn đường trường hầu như không đáng kể” nhưng nhờ đi nhiều, càng đi, càng “khôn ra”, đối phó được những trò gian xảo và cả những bất trắc trong các cuộc hành trình ngang dọc, vừa mạo hiểm vừa thơ mộng.
Theo chân Nguyễn Trí Thông đi từ những nơi linh thiêng nhất của đất nước Ấn Độ cổ xưa già nua qua đến Đông Phi, rồi tận Athens - cái nôi của văn minh châu Âu, có lúc tôi tưởng mình hụt hơi bởi sức đi khủng khiếp của gã trung niên ấy. Nhưng đã theo là phải theo suốt hành trình. Bởi có muôn vàn điều lý thú mà qua lăng kính của anh, nó hiện lên thật lạ lùng, kỳ quái mà lại vô cùng hài hước. Có nơi anh đi cùng vợ con, hoặc có những nơi đầy mạo hiểm chỉ hai cha con anh chinh phục. Tôi thích cái cách hai cha con anh đi cùng nhau. Hai người, hai tính cách khác biệt, tư duy khác biệt, độ tuổi chênh lệch, nhưng rồi những chuyến đi kéo cả hai gần nhau hơn. “Tôi là một ông bố gọn gàng ngăn nắp bao nhiêu thì Quân bừa phứa bấy nhiêu”. Nhờ những cuộc đi, Quân, cậu con trai anh đã mở lòng ra với những đứa trẻ, thay vì xa cách như trước kia.
Cuộc đi của anh chạm vào những khung cảnh thần tiên tuyệt sắc ở đường lên pháo đài Baltit của thung lũng Hunza rộng mênh mông, bạt ngàn những cây hoa đào nở rộ. Cuộc đi cũng là những bước chân đầy ý chí của hai cha con quyết chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro cao 5.895 m, dù anh “phải lết như một con zoombie” mới lên tới đỉnh. Cuộc đi cũng là cuộc “phiêu lưu bất động” khi phải tham gia chuyến đi 100 km trên xuồng chèo bằng tay mải miết mấy ngày trời một cách bất đắc dĩ.
Nói không ngoa khi người ta định nghĩa hạnh phúc là một hành trình. Còn hành trình của anh, cái đích đến cuối cùng là quay về với chính mình. Kết quả của hành trình dài vòng quanh thế giới ấy là một dọc dài những câu hỏi về nhân sinh quan, mà có lẽ, ít ai từng đặt ra, như anh. “Rốt cuộc chuyến đi này có bao nhiêu đứa trẻ? Đứa trẻ nào vui đứa trẻ nào buồn?”…