Những ngày kỷ niệm không quên

|

Hưởng ứng chuỗi hoạt động toàn quốc của “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ III (2024) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khởi động, từ sáng 13/4, tỉnh Bến Tre đã khai trương hoạt động Ngày sách tại Nhà văn hóa của thành phố Bến Tre.

Ngoài việc trưng bày, triển lãm tác phẩm, tư liệu, hình ảnh, sách hay, sách có giá trị, còn có hai sự kiện đặc sắc là việc trưng bày tư liệu bản đồ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và cuộc trưng bày ảo bằng thiết bị số hóa về “Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp”…

Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa diễn ra Lễ dâng hương giỗ Quốc tổ tại đền thờ đức Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ. Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ năm 2024 đang diễn ra từ mồng 1 đến 10/3 âm lịch (tức là 9-18/4 dương lịch). Chuỗi các sự kiện năm nay vẫn đang được triển khai hấp dẫn, thu hút hàng vạn người dân và du khách trên cả nước về dâng hương, trẩy hội... Ngoài Khu Di tích lịch sử quốc gia đền Hùng ở TP Việt Trì, thì trên toàn tỉnh, còn có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương (trên tổng thể 967 di tích lịch sử-văn hóa của tỉnh). Đây là là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.

Trong những ngày hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên, thì ngành văn hóa tỉnh cũng vừa đón thêm hai tin vui. Đó là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định công bố hai di sản của tỉnh được đưa thêm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một là nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào (thuộc hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông). Hai là nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay. Như vậy, cho đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 20 di sản đến từ 19 dân tộc sinh sống trong địa bàn tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.