Thế mạnh của Hoàng My là viết những chuyện hết sức gần gũi diễn ra chung quanh mình. Tưởng dễ nhưng lại rất khó để viết cho hay, cho đi vào lòng người. Không lắt léo trong câu chữ hay dùng kỹ thuật trong cách viết, mà bằng chính sự chân thành của trái tim luôn thổn thức, Hoàng My đã chạm được đến trái tim độc giả bằng những câu chuyện gần gũi ấy.
Ở những bối cảnh quen tưởng như nhàm chán: nhà có người già, lặng lẽ đến mức đôi lúc quên luôn sự hiện diện của họ, để rồi trong một khoảng chênh chao giữa cõi vô thường, ta xót xa nhận ra đến một lúc nào đó mình cũng già, cũng bị lãng quên đi. Rồi những hình ảnh quen như nhà có người mẹ ưa càm ràm, thở than và lo lắng những chuyện không đâu, nhưng tất cả những cảm giác khó chịu, thanh âm tưởng là vô vị đó, lại gắn chặt với cuộc đời mình từ bao giờ, để chỉ cần mẹ vắng nhà một buổi đã đứng ngồi trông ngóng. Hay như tình cảm vợ chồng đến một đoạn nào đó khi những tổn thương chưa được chữa lành cứ mãi chồng chất, hai người đúng ra cùng nhau vẽ lên bức tranh sinh động về hạnh phúc, lại biến thành hai cái bóng lầm lũi tiến về phía trước…
Đâu đó trong những mối quan hệ chung quanh mình, vẫn có những bức tường vô hình từ những nút thắt có khi là rất nhỏ nhưng dẫn đến đoạn kết không như mong muốn, để rồi mình phải tự thốt lên: “Thật ra ban đầu anh ấy, cô ấy là người tốt”.
Cứ như vậy, cuộc đời mỗi người tưởng độc lập nhưng hóa ra lại là một chuỗi những ràng buộc, kết dính hết sức dịu dàng.
Người viết luôn có sự thức tỉnh tuyệt vời, để có thể tự tay gỡ nút thắt trong tâm hồn mình, mở lòng để đón nhận cả những ưu, khuyết điểm của mình hay cả người chung quanh. Tôi cũng tự hỏi rằng, có phải chỉ khi nào ta sống giản đơn như một đứa trẻ, khi vui thì cười, khi buồn thì khóc, giận hờn đó rồi yêu thương lại ngay đó, mới mong có được niềm hạnh phúc, bình an?
Những câu văn nhẹ tênh của Hoàng My còn chất chứa những nỗi niềm mang tên thế hệ. Cuộc sống không ngừng thay đổi, trong khi thế hệ trước được nuôi dưỡng trong thứ tình yêu thương con người thuần khiết, của xóm làng, của những người xa lạ… thì thế hệ ngày nay khác, những đứa con mới chập chững biết đi, cha mẹ đã dạy cho bài học đầu đời là không được đi theo người lạ… Đó không hẳn là nỗi buồn, nhưng đọc cứ khứa sâu vào tâm khảm những điều trăn trở, day dứt…
Tản văn của Hoàng My còn nhắc nhở ta sống chậm lại, bởi vì cuộc sống là vô thường, nên hãy dành thời gian nhiều hơn cho những người mình yêu thương, như lời tâm sự của Hoàng My: “Hãy cố gắng để những ngày bên nhau, dưới một mái nhà thật nhiều ấm êm, sum vầy nhất. Ta hãy bớt những cáu gắt, đành hanh, bận bịu, để lắng nghe người thân yêu của mình với sự kiên nhẫn dịu dàng nhất có thể. Được không…”.