Trái tim thắm đỏ dưới mầu áo xanh

|

Tập bút ký “Biên cương trong màu nước” (tác giả Nguyễn Hội, NXB Quân đội nhân dân 2024), là những câu chuyện được kể từ chính người lính biên phòng ở biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Mật phục chống buôn lậu, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, chống phá hoại biên giới, giải cứu người bị lừa “việc nhẹ lương cao”..., khó kể hết những gian khổ hiểm nguy mà các anh đối mặt, “ngâm mình trong nước lạnh hai ba tiếng”, “ém quân trong ruộng bắp, ruộng mè dễ gây mẩn ngứa khắp cơ thể”, “muỗi đen đặc cánh đồng”, “trong quá trình quần lộn, anh Trung bị hụt xuống máng nước, gãy chân trái, vĩnh viễn mất 21% sức lao động”...

Cuộc sống thường nhật không kém phần vất vả, “đồn là nhà nhưng có được sống trong nhà đâu”. Nhà của các anh ở trên đường biên giới, với chiếc võng dưới những tán cây để “bảo đảm 24/24 chốt, trạm có người tuần tra khép kín đoạn biên giới được phân công phụ trách”, “nhiều hôm mưa giông bất ngờ ập tới, nước hắt qua tấm tăng che tạm, võng mền ướt nhẹp nhưng không ai rời vị trí”.

Với những đoạn trực tiếp chiến đấu, ta hồi hộp theo từng động tác trong kế hoạch tác chiến, thở phào khi nhiệm vụ hoàn thành, các đối tượng bị bắt. Cảm động và gay cấn nhất có lẽ là “cuộc giải cứu từ hai đầu đất nước”, hai anh em Bùi Khắc Tấn và Bùi Khắc Long quê Hòa Bình bị lừa “việc nhẹ lương cao”, bị bán vào làm việc cho casino ở thành phố Bavet, tỉnh Svayrieng, Campuchia, đối diện cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngoài nghiệp vụ, câu chuyện còn thấm đượm tình đồng chí, đồng đội sâu sắc.

Nghi thức đón Tết ở đồn biên phòng được nhắc đến thật đặc biệt. Hoa vạn thọ, mai vàng rực rỡ trang trí bàn thờ Bác Hồ, dưới lá cờ đỏ sao vàng. Nghi thức chào cột mốc đêm Giao thừa thiêng liêng, trang trọng. Ở đồn và các trạm, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc mừng qua truyền hình, những đống củi to đồng loạt cháy bùng lên ngọn lửa biên thùy, gợi biết bao niềm xúc động lẫn tự hào.

Những hy sinh thầm lặng ở hậu phương, được tác giả kể bằng chính câu chuyện của đồng đội, người hoãn cưới, người đón giây phút con chào đời qua màn hình điện thoại, người không thể về chịu tang cha, chỉ có thể bái vọng từ đơn vị…

Xuyên suốt các câu chuyện, tình dân quân được tác giả nhắc đến nhiều, mỗi người dân là một “cột mốc sống” trên biên giới. Nhờ tình cảm gắn kết đó mà những dì Tư, chú Năm Cu, chú Hai Hưng Điền và nhiều người dân đã cung cấp thông tin để các anh thực hiện nhiệm vụ.

Cảnh sắc miền Tây Nam Bộ hiện lên thật lãng mạn dưới góc nhìn của người lính biên thùy trên đường tuần tra. Mùa nước nổi, cá linh non, bông điên điển, bông súng, những ruộng lúa trĩu hạt hiện lên như bức tranh thanh bình. Những nơi mà tác giả đặt chân đến như Pha Luông, A Pa Chải… cũng đầy hùng khí một góc trời biên ải.

Tập ký khắc họa sinh động vẻ đẹp của vùng sông nước biên viễn, của người lính biên phòng thời bình, những người luôn căng đầy nhiệt huyết, âm thầm bảo vệ bờ cõi và sự bình yên cho mọi người.