Truyện của Võ Đăng Khoa mang giọng văn thâm trầm, bình thản nhưng ẩn chứa nhiều suy tư. Xuyên suốt trong các truyện ngắn là tiếng thở dài buồn xao xác của những phận người trôi nổi, bấp bênh trên vùng sóng nước miền Tây Nam Bộ - nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Các nhân vật trong cuốn sách mang theo trái tim chai sạn, chằng chịt thương. Người cha trong “Nhìn nước” vì mất vợ, mất con mà lầm lì “gọt cái dáng người của mình sao cho sần sùi và gai góc nhất, như tự đúc chính mình thành một bức tượng vô hồn, trơ lạnh tỏa ra từ sau trong lòng khối đá”, ông tự cách ly mình khỏi cuộc đời để an trú trong một thế giới riêng ít đau hơn thực tại. Đó là người đàn bà trong lầm lũi chịu đòn đau của chồng trên những cánh đồng quạnh quẽ từ năm này sang tháng khác, nín lặng chấp nhận bởi “mười thằng nuôi vịt thì chín thằng vậy rồi” (Theo bầy). Là sự bơ vơ hiu quạnh của ông già mù đợi chờ đứa con lầm lỡ quay trở về, ôm nỗi ân hận “làm giáo nhưng ông không dạy con được” (Thả mồi).
Võ Đăng Khoa đã gây dấu ấn đặc biệt qua hai truyện ngắn “Lạc đà bay” và “Đất nở”, mạch chuyện dung dị nhưng mở ra nhiều suy ngẫm, trăn trở về lối sống thực dụng mà loài người vô ơn đã đối xử với mẹ thiên nhiên. Nhìn chung, truyện Võ Đăng Khoa không có các chi tiết gay cấn, giọng văn điềm tĩnh, lời ít hiểu nhiều, anh chừa lại vừa đủ các khoảng trắng, khoảng lặng để người đọc tự mình viết thêm, lấp đầy vào những câu chuyện đó. Chẳng ai biết nỗi đau của các nhân vật đến khi nào sẽ chấm dứt, liệu có sân ga hạnh phúc nào đón đợi họ ở phía cuối con đường? Hay nỗi buồn vẫn như “mùa nước nổi cứ ngập úng mãi mãi trong trí nhớ” từ kiếp này sang kiếp khác, lay lắt, hoang hoải như vết thương ứa máu mãi không chịu lành?
Đọc cuốn “Lạc đà bay”, lật giở đến một trang nào đó, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ giật mình bắt gặp bóng hình ai thấp thoáng như người mẹ của mình cam chịu khổ không làm khác đi được vì sợ điều tiếng đời (Ngược dòng), thấy cái ngập ngừng của tình yêu thinh lặng vượt thoát khỏi các định kiến của đời (Cuối bãi), thấy cái đơn độc muôn thuở của những người xa xứ, cả nỗi ân hận về những sai lầm cứ day đi dứt lại trong trái tim một người… họ ngập ngừng không nói, không biết kể cùng ai. Chỉ có con chữ của nhà văn là lặng lẽ thổ lộ, cứ thế muôn đời.