Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

|

Trong bối cảnh Trái đất tiếp tục nóng lên như hiện nay, hàng loạt biện pháp đã được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, các giải pháp công nghệ mới đang ngày càng được chú ý.

Công nghệ mới nhiều triển vọng

Ngày 8/5 vừa qua, Công ty Climeworks của Thụy Sĩ đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thu khí trực tiếp Mammoth tại Iceland. Được ví như một chiếc “máy hút bụi” khổng lồ, nhà máy này được thiết kế để hút carbon dioxide (CO2) làm nóng hành tinh ra khỏi bầu khí quyển. Đây là nhà máy thu khí trực tiếp thứ hai mà Climeworks vận hành ở Iceland, sau nhà máy Orca có công suất thu giữ CO2 lên tới 4.000 tấn mỗi năm, bắt đầu hoạt động từ năm 2021. Với quy mô lớn gấp 10 lần nhà máy Orca, Mammoth trở thành nhà máy thu khí trực tiếp lớn nhất thế giới.

Theo CNN, thu khí trực tiếp (DAC) là công nghệ được thiết kế để hút không khí và loại bỏ CO2 bằng cách sử dụng các loại hóa chất. Sau đó, CO2 có thể được bơm sâu xuống lòng đất, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành các sản phẩm rắn. Climeworks cho biết, dự kiến triển khai vận chuyển CO2 dưới lòng đất, sau đó để chuyển hóa một cách tự nhiên thành đá, qua đó khóa CO2 vĩnh viễn. Hiện, công ty hợp tác với Công ty Carbfix của Iceland để triển khai công nghệ này.

Climeworks bắt đầu xây dựng Mammoth vào tháng 6/2022. Theo Climeworks, khi hoàn thành toàn bộ vào cuối năm nay, Nhà máy Mammoth sẽ có thể thu được 36.000 tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm, tương đương việc loại bỏ khoảng 7.800 chiếc ô-tô chạy bằng xăng khỏi hệ thống giao thông trong một năm. Climeworks khẳng định, toàn bộ hoạt động của nhà máy sẽ được vận hành bằng năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.

Ngoài Mammoth, một số nhà máy DAC có quy mô lớn hơn cũng đang được các công ty khác xây dựng. Công ty dầu mỏ cho biết đang xây dựng nhà máy Stratos ở bang Texas, Mỹ với công suất thiết kế lên tới 500.000 tấn CO2 được loại bỏ mỗi năm.

Trong bối cảnh Trái đất tiếp tục nóng lên như hiện nay, kéo theo những hậu quả tàn khốc đối với con người và thiên nhiên, các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh việc cắt giảm nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch, thế giới cần tìm cách loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển. Vì vậy, các giải pháp khí hậu thế hệ tiếp theo như công nghệ DAC đang thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý từ chính phủ các nước và ngành công nghiệp tư nhân.

Ông Stuart Haszeldine, giáo sư chuyên ngành thu hồi và lưu trữ CO2 tại Trường đại học Edinburgh (Anh) cho rằng, nhà máy Mammoth là “một bước quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, giúp gia tăng việc thu giữ khí CO2. Tuy nhiên, ông Haszeldine cũng cảnh báo đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so lượng CO2 cần thu giữ. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tất cả thiết bị thu giữ CO2 hiện có trên thế giới chỉ có thể loại bỏ khoảng 0,01 triệu tấn CO2 mỗi năm, thấp hơn nhiều so mức 70 triệu tấn mỗi năm cần thiết phải xử lý vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Năm 2023, lượng khí thải nhà kính tại Hà Lan đã giảm 6%. Ảnh: CBS

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Một báo cáo do Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố hồi đầu tháng 4/2024 cho hay, năm 2023, nồng độ của ba loại khí nhà kính chính do con người gây ra bao gồm CO2, metan và N2O đã tích tụ ở mức cao nhất trong lịch sử. Trong đó, nồng độ CO2 được ghi nhận tương đương với mức cách đây khoảng 4 triệu năm.

Thời gian qua, các nước trên thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, qua đó giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) cho biết, nước này đang triển khai nhiều chiến lược khác nhau nhằm giúp giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các mục tiêu phát thải. Trong đó, để tăng hiệu suất năng lượng, EPA Mỹ triển khai Chương trình ENERGY STAR, thiết lập quan hệ đối tác với hơn 15.000 tổ chức khu vực công và tư nhân để cung cấp thông tin và công cụ kỹ thuật mà các tổ chức và người tiêu dùng cần nhằm lựa chọn giải pháp tiết kiệm cũng như phương pháp quản lý năng lượng với hiệu suất tốt nhất.

Bên cạnh đó, EPA đang triển khai chương trình năng lượng và khí hậu quy mô địa phương và cấp bang nhằm giúp các chính quyền xây dựng những chính sách và chương trình có thể giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng, cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng, đồng thời giúp đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. Chương trình tự nguyện đối tác năng lượng xanh (GPP) khuyến khích các tổ chức sử dụng năng lượng xanh như một cách để giảm tác động môi trường liên quan việc sử dụng điện thông thường, cũng đang mang lại hiệu quả đáng kể.

Ở cấp độ bang, hiện có ít nhất 16 bang tại Mỹ đã ban hành quy định thiết lập các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính. Một số bang đã thực hiện chính sách định giá carbon một cách độc lập hoặc thông qua các thỏa thuận khu vực và 30 bang có các tiêu chuẩn về điện sạch hoặc năng lượng tái tạo, trong đó yêu cầu về tỷ lệ phần trăm điện năng bán ra của các cơ sở sản xuất phải đến từ các nguồn tái tạo. Một số bang gần đây đã tăng tiêu chuẩn lên mức 100% điện tái tạo hoặc không phát thải vào giữa thế kỷ này.

Tại Hà Lan, các mục tiêu và biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ở nước này được đặt ra và thống nhất trong Đạo luật Khí hậu và Thỏa thuận Khí hậu quốc gia. Trong đó, Đạo luật Khí hậu kêu gọi giảm 49% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so mức của năm 1990 và giảm 95% vào năm 2050. Còn Thỏa thuận Khí hậu quốc gia bao gồm các thỏa thuận với các ngành về những biện pháp triển khai để giúp đạt được các mục tiêu khí hậu nêu trên. Thí dụ, với lĩnh vực môi trường xây dựng, các biện pháp được đề ra là tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của 1,5 triệu ngôi nhà và giảm một triệu tấn CO2 đối với các tòa nhà dịch vụ. Hệ thống thuế năng lượng với các biện pháp khuyến khích việc sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm lượng khí thải CO2 cũng được triển khai.

Trong lĩnh vực giao thông và vận tải, Hà Lan áp dụng quy định yêu cầu tất cả các xe ô-tô chở khách mới sẽ không được phát thải khí CO2 vào năm 2030, đồng thời khuyến khích sử dụng xe điện thông qua một số biện pháp thuế. Với ngành công nghiệp, Hà Lan đã áp dụng thuế carbon mục tiêu, bắt đầu ở mức 30 euro/tấn vào năm 2021 và tăng lên thành 125-150 euro/tấn vào năm 2030 trên mỗi tấn khí phát thải vượt quá lộ trình giảm thiểu cố định…

Tại châu Âu, để cắt giảm hơn nữa lượng khí thải nhà kính, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua các quy định mới, bao gồm lệnh cấm sản xuất, sử dụng hoặc buôn bán các chất làm suy giảm tầng ozone, ngoại trừ các trường hợp được xác định nghiêm ngặt. Mới đây nhất, hồi tháng 4 vừa qua, EP đã thông qua luật đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm lượng khí thải methan với các quy định mới, đặt ra các mục tiêu ràng buộc về giảm lượng khí methan đối với ngành năng lượng, bao gồm lượng khí thải từ dầu, khí hóa thạch và than đá.

Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu năng lượng và khí hậu đã được thống nhất, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho rằng, các nước hay tổ chức đơn lẻ không thể hành động một mình mà cần có sự hợp tác toàn cầu trong mọi hoạt động nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, trong đó có giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm một tương lai bền vững.