Liều thuốc cho căn bệnh sở hữu chéo ngân hàng

|

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về hiệu quả thực thi, thậm chí cho rằng, đây vẫn là một hành trình gian nan.

Tình trạng thao túng, sở hữu chéo được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận diện và siết quy định từ lâu nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong đợi.

Luật chỉ đáp ứng được 50%

Những quy định mới Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được đánh giá là sự thắt chặt một cách toàn diện, đồng bộ từ giảm tỷ lệ sở hữu vốn, thu hẹp giới hạn cho vay, cho đến các quy định chặt chẽ hơn về giám sát việc tuân thủ và xử lý việc vi phạm quy định.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%, ngân hàng phải công bố thông tin của cổ đông nắm từ 1% (trước đây là 5%).

Cùng với việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, Luật cũng nêu rõ quy định về giới hạn cho vay đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan từ 15% xuống 10% vốn tự có của TCTD, giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25% về mức 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng, tất cả đều theo lộ trình tới năm 2029.

“Quy định khá chặt và rõ, sẽ giải quyết được cơ bản về mặt pháp lý vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng. Tuy nhiên, các quy định của Luật mới đáp ứng được 50%, những khe hở vô hình chủ yếu lại nằm ở thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, những người chủ thật sự của ngân hàng”, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật ANVI) nhận định.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, các quy định mới góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.

“Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Cũng cho rằng, những quy định mới sẽ hỗ trợ được việc hạn chế nhóm cổ đông lớn, thành phần trong ban lãnh đạo thao túng ngân hàng để trục lợi cho doanh nghiệp sân sau, nhưng ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho biết, cách đây 10 năm, những quy định về tỷ lệ sở hữu, công bố thông tin đã được thực thi nhưng bằng một vài thủ thuật, vẫn có những cá nhân, nhóm cổ đông cấu kết với nhau và sở hữu chéo lẫn nhau tạo ra một mạng nhện, mạng lưới quyền lực tại ngân hàng.

Ông Hiếu nhận định, Luật Các TCTD (sửa đổi) kéo giảm các tỷ lệ, đưa ra giới hạn nhưng khó kiểm soát được tỷ lệ này trên thực tế.

Cần biện pháp mạnh tay

Trước đó, khi chia sẻ thêm thông tin về Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được thông qua, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, việc siết các quy định mới chỉ là biện pháp kỹ thuật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện, và cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.

Nếu Luật mới không được thực thi một cách nghiêm túc, thì không những không thể xử lý triệt để mà còn có thể tạo ra nhiều phiên bản SCB trong tương lai, tiếp tục gây thiệt hại cho thị trường. Bởi lẽ, ngân hàng là một lĩnh vực đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến nền kinh tế.

Theo đó, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để Luật phát huy hiệu quả thì cần phải có sự đồng bộ, nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan, từ quy định về điều kiện, yêu cầu, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cho đến chế tài xử phạt. Cần phải có quy định xử lý thật mạnh tay, như xử phạt thật nặng cả về hành chính lẫn hình sự, không loại trừ việc tịch thu số cổ phần, cổ phiếu vượt quá giới hạn, vi phạm luật.

Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khi xử lý các ngân hàng yếu kém, các cơ quan điều hành thường tránh áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa ngân hàng, nhằm tránh rủi ro đổ vỡ. Chính vì vậy, nhiều cổ đông đã tìm đủ mọi cách để thao túng ngân hàng, đến lúc thua lỗ lại trông chờ NHNN giải cứu.

Rút kinh nghiệm và học hỏi kinh nghiệm xử lý sở hữu chéo tại các quốc gia tiên tiến, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cổ đông phải có tuyên bố hữu thệ để chứng minh tính trung thực, đây là tuyên bố rất quan trọng. Người tuyên bố hữu thệ nhận thức được trách nhiệm của mình, nếu khai báo gian dối và sai lệch sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, cần áp dụng chế tài nặng nhất cho một ngân hàng là rút giấy phép hoạt động, nếu chỉ răn đe, xử phạt thì nhiều ngân hàng vẫn sẵn sàng vi phạm.