Kẽ hở quản lý kinh doanh trực tuyến

|

Thương mại điện tử (TMĐT) đang giữ được đà phát triển bùng nổ, không chỉ thay đổi thói quen mua sắm mà còn mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là những hành vi gian lận thuế, trốn thuế tinh vi và khó kiểm soát.

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã công bố số thu ngân sách từ TMĐT đã tăng từ 83.000 tỷ đồng năm 2022 lên 97.000 tỷ đồng năm 2023 và dự kiến vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2024. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, con số đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.

Việc thu thuế TMĐT giúp bảo đảm sự công bằng giữa kinh doanh trực tuyến và kinh doanh truyền thống, tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho mọi loại hình kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng phải tuân thủ các quy định thuế như các doanh nghiệp khác, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Nhiều chiêu trò “lách” thuế

So với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh truyền thống đã đăng ký mã số thuế thì các cửa hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok thường khó kiểm soát hơn do người kinh doanh thường có nhiều chiêu trò khác nhau để “lách” thuế. Sự phát triển bùng nổ của TMĐT đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho các hoạt động kinh doanh online. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít những vấn đề tiêu cực, trong đó có một số đối tượng kinh doanh online đã tận dụng các kẽ hở pháp luật để “lách” thuế, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý.

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là chốt đơn ngoài sàn. Sau khi chốt đơn trong các buổi bán hàng phát sóng trực tiếp (livestream) qua các nền tảng, người bán sẽ hướng dẫn khách hàng thanh toán qua chuyển khoản hoặc tin nhắn, không ghi rõ nội dung giao dịch, từ đó tránh việc lập hóa đơn và kê khai thuế. Việc không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng sẽ giúp những nhà bán hàng trực tuyến dễ dàng che giấu doanh thu, gây khó khăn cho việc kiểm tra, truy thu thuế.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh online còn chia nhỏ giao dịch để tránh phải kê khai thuế. Thay vì ghi nhận một giao dịch lớn, các hộ kinh doanh sẽ chia nhỏ thành nhiều giao dịch nhỏ hơn, dưới mức chịu thuế. Điều này giúp họ dễ dàng “ẩn” doanh thu thực tế, qua mặt cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc lập nhiều tài khoản ngân hàng cũng là một cách làm phổ biến. Bằng cách này, họ phân tán dòng tiền vào nhiều tài khoản khác nhau, khiến việc truy vết trở nên khó khăn hơn.

Các cá nhân livestream bán hàng trên mạng xã hội đang là một trong những đối tượng khó quản lý thuế nhất. Sự linh hoạt, không ràng buộc bởi các quy định kinh doanh truyền thống khiến việc xác định danh tính, thu nhập và các giao dịch của họ trở nên vô cùng khó khăn. Việc không đăng ký kinh doanh, địa chỉ kinh doanh không cố định, thậm chí là việc sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau với các thông tin không trùng khớp đã tạo ra nhiều rào cản trong công tác quản lý thuế.

Thời gian qua, thông tin về những phiên livestream trên TikTok đạt doanh số “khủng” lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến không ít người ngạc nhiên về mức lợi nhuận mà bán hàng online có thể đạt được, nhưng con số thuế thu về từ các hoạt động này lại chưa thật sự tương xứng.

Tăng cường giám sát và kiểm soát

Để quản lý hiệu quả và ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế, việc siết chặt khung pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử là cần thiết. Việc thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan thuế mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý khác như cơ quan thông tin và truyền thông, nền tảng thương mại điện tử, ngân hàng,… Các nền tảng này cần cung cấp thông tin và dữ liệu giao dịch cho cơ quan thuế để giúp giám sát hoạt động kinh doanh. Khi có sự chia sẻ dữ liệu minh bạch và chính xác, việc giám sát và thu thuế sẽ hiệu quả hơn, từ đó tránh được tình trạng lách thuế. Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu cần được thực hiện một cách cẩn trọng để bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân.

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty luật TNHH Trương Anh Tú), hệ thống pháp lý hiện tại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp và hộ kinh doanh truyền thống, trong khi việc quản lý các cá nhân kinh doanh trên nền tảng trực tuyến chưa được thực thi đầy đủ. Điều này tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lách luật, khai báo doanh thu không đầy đủ hoặc thậm chí trốn thuế.

Để giải quyết vấn đề thất thu thuế trong hoạt động livestream bán hàng, theo luật sư Thảo, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ từ hoàn thiện pháp lý cho đến cải tiến công nghệ quản lý thuế: Luật pháp hiện hành cần được cập nhật để phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử, trong đó tập trung vào các quy định về quản lý và kiểm soát thuế đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến. Điều này bao gồm việc bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm khai báo thuế của các cá nhân kinh doanh trên nền tảng trực tuyến và livestream bán hàng.

Cơ quan thuế cần phát triển một hệ thống giám sát và quản lý thuế điện tử hiện đại, cho phép ghi nhận doanh thu và các giao dịch trực tuyến trong thời gian thực. Công nghệ sẽ giúp theo dõi doanh thu của các nhà bán hàng và tính thuế một cách tự động, bảo đảm việc thu thuế đúng với thực tế hoạt động kinh doanh.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật và pháp lý, việc nâng cao nhận thức của cá nhân kinh doanh về trách nhiệm khai báo thuế cũng rất quan trọng. Chính phủ và cơ quan thuế, cơ quan truyền thông,… cần triển khai các chiến dịch truyền thông để giúp người kinh doanh online hiểu rõ hơn về nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời khuyến khích họ tuân thủ quy định. Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Việc yêu cầu hóa đơn, chứng từ hợp lệ không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định xử phạt rõ ràng đối với các hành vi trốn thuế, bao gồm cả hoạt động kinh doanh online. Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các cá nhân hoặc tổ chức trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

“Các trường hợp vi phạm nhỏ có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng. Đối với những hành vi nghiêm trọng hơn, mức phạt có thể tăng lên đến ba lần số tiền thuế trốn. Ngoài ra, người vi phạm còn phải nộp lại số tiền thuế thiếu hụt cùng với tiền lãi phát sinh”, luật sư cho biết.

Có thể thấy, pháp luật đã có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi trốn thuế trong kinh doanh online, nhằm bảo vệ sự công bằng trong hoạt động kinh doanh và bảo đảm thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan thuế và các nền tảng thương mại điện tử sẽ là yếu tố quan trọng để các quy định này được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Bên cạnh xử phạt hành chính, nếu hành vi trốn thuế được xác định là nghiêm trọng, với số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có tổ chức, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cá nhân trốn thuế có thể phải đối mặt với mức phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, tùy vào mức độ vi phạm, cùng với việc phạt tiền lên đến 10 lần số thuế trốn.