Giảm nguy cơ lừa đảo trực tuyến

|

Chung tay cùng các cơ quan, tổ chức giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trực tuyến, đồng thời nghiên cứu, xây dựng và ra mắt ứng dụng chống lừa đảo để giảm nguy cơ lừa đảo trên mạng; đó là một trong những nội dung hoạt động của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trong kế hoạch năm 2024.

Những năm trở lại đây, khi Việt Nam đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia thì các thách thức an toàn, an ninh mạng, trong đó có lừa đảo trực tuyến cũng đã và đang gia tăng mạnh.

Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) cho biết, để bảo vệ người dân trên không gian mạng, Bộ đã thiết lập Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, có kết nối, tích hợp với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm, các giải pháp an toàn thông tin mạng và hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia.

Thống kê của Cục cho thấy, chỉ tính trong 11 tháng đầu năm nay, hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo do Cục quản lý, vận hành đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến, trong đó có tới trên 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Các hệ thống kỹ thuật đã chặn 3.369 website vi phạm, trong đó có 972 website lừa đảo, nhờ vậy, đã bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.

Theo phân tích của các chuyên gia, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ cùng với sự phổ biến của công nghệ mới như DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023. Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.

Thống kê cho thấy, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lừa đầu tư chứng khoán, đầu tư ngoại hối lãi khủng, giả mạo người thân, bạn bè gặp tai nạn, giả mạo công an, giả tài khoản ngân hàng, giả cán bộ thuế lừa cài app giả mạo chiếm quyền điều khiển điện thoại...

Các chuyên gia cũng dự báo rằng, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xu hướng tiến công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xoay quanh các sự kiện nóng, nổi bật và ứng dụng giả mạo. Các nhóm tin tặc cũng sẽ ngày càng sáng tạo hơn trong việc thiết kế chiến lược lừa đảo. Các chiến lược này có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tạo ra thông điệp và trang web giả mạo mà khó phân biệt với các thông điệp và trang web chính thức. Vì vậy việc triển khai giải pháp sử dụng ứng dụng chống lừa đảo chính là “dùng công nghệ đấu lại công nghệ”. Theo đó, ứng dụng chống lừa đảo có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết hợp các cơ sở dữ liệu về số điện thoại lừa đảo để phát hiện, cảnh báo cho người dùng khi có cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo gửi đến điện thoại người dùng.

Cùng với đó, ứng dụng chống lừa đảo cũng sẽ hoạt động như một giải pháp giám sát, phát hiện ra các ứng dụng giả mạo, cài từ nguồn không bảo đảm, phát hiện những phần mềm truy cập vào dữ liệu người dùng hay có khả năng theo dõi, nghe lén, điều khiển điện thoại. Nhờ đó người dùng có thể tránh được phần lớn các tiến công lừa đảo hiện nay.